Ngày 8/11, các Đại biểu Quốc hội đã làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Đây là dự án luật lần đầu tiên được trình ra Quốc hội thảo luận.
Tranh cãi chứng chỉ hành nghề
Theo báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới KTS đề xuất từ hơn 20 năm trước, nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ KTS có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Như vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết. Chính sách cơ bản của kiến trúc là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Ủy ban KH-CN&MT, ngoài các quy định như trong dự thảo Luật, cần bổ sung thêm các quy định mang nội hàm phát triển như chính sách, định hướng phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KTS; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kiến trúc...
Cần thiết phải quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên, nên cân nhắc kỹ thêm các ý kiến: KTS có thể hành nghề độc lập hoặc tham gia cung cấp các dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề; KTS không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.
“Vì vậy, cần rà soát các quy định về dịch vụ kiến trúc, phạm vi hành nghề kiến trúc để bảo đảm đầy đủ, phù hợp hơn với thực tiễn nước ta cũng như thông lệ quốc tế”, Uỷ ban KH-CN&MT đề nghị.
Về chứng chỉ hành nghề, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Tp.Hà Nội), cho rằng Luật Kiến trúc được ban hành yêu cầu các KTS phải đăng ký hoạt động nghề, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm các tiêu chuẩn về đạo đức. Như vậy, các KTS phải đăng ký hoạt động nghề, phải cung cấp các dịch vụ, sản phẩm của mình theo sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm nghĩa vụ nộp thuế.
![]() |
KTS phải có chứng nhận không vi phạm đạo đức mới được hành nghề |
Lối kiến trúc “trăm hoa đua nở”
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Đoàn Tp.HCM) lại cho rằng thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề như quy định tại dự thảo Luật này quá phức tạp, trong khi hiện nay đang cần giảm bớt giấy phép con. Đại biểu cũng phân vân, khi không biết ai sẽ là người cấp giấy này.
Bí thư Thành ủy Tp.Hà Nội - ông Hoàng Trung Hải, cũng cho rằng việc quy định Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc có phù hợp không, vì thực tế nhiều tỉnh, thành đang sáp nhập các sở với nhau.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), đặt vấn đề, hiện nay Việt Nam đang phát triển lối kiến trúc theo cách “Trăm hoa đua nở” - mỗi công trình một kiểu kiến trúc. Trong khi đó, dự thảo Luật này chưa đưa ra được tính kế thừa tập quán truyền thống văn hóa của Việt Nam vào các công trình kiến trúc.
“Đi sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar - mỗi nước đều có nét đặc sắc trong lối xây dựng kiến trúc. Nếu đã nói kế thừa kiến thúc truyền thống, Luật Kiến trúc cần chỉ rõ đặc tính của kiến trúc truyền thống là gì”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp.HCM), yêu cầu về kiến trúc đô thị hiện nay của chúng ta chưa thể hiện được giá trị riêng biệt, rất hạn chế trong việc lồng ghép văn hóa lịch sử vào các công trình kiến trúc.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Đoàn Bắc Giang) cũng đặt vấn đề, Việt Nam có hệ thống công trình văn hóa rất đồ sộ với hàng chục nghìn công trình văn hóa đã được các cấp công nhận, có những công trình kiến trúc có lịch sử 400 - 500 năm rất giá trị, nhưng khi bảo tồn có tuân thủ, bảo tồn được những kiến trúc xưa hay không. Nếu không thực hiện đúng để xảy ra sai phạm, việc xử lý sẽ thế nào. Đây là vấn đề mà Luật Kiến trúc cần phải giải quyết.
Thy Lê