Hằn lún vết xe là hiện tượng không mới bởi nó đã xuất hiện trên một số tuyến đường trong cả nước từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua, xuất hiện nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Trung (nhiệt độ trên mặt đường bê tông nhựa có thời điểm đo được trên 70 độ C), trên một số đoạn tuyến Quốc lộ 1 ở các tỉnh Ninh Bình đến Quảng Bình đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, gây ảnh hưởng đến khai thác và an toàn giao thông.
“Tổ đặc nhiệm” soi mặt đường
Ngay sau đó, “Tổ đặc nhiệm” do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã đi thị sát dọc tuyến QL1 từ Thừa Thiên Huế – Nghệ An để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên một số đoạn tuyến đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng.
Cụ thể, quá trình đi thị sát trên tuyến, Tổ công tác đã kiểm tra nhiều đoạn có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe như: Phía Bắc Tp. Huế – Quảng Trị do công ty TNHH Trùng Phương là nhà đầu tư theo hình thức BOT, Nam Tp. Đông Hà do công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh thực hiện, tuyến tránh thị trấn Kỳ Anh do Ban QLDA ATGT làm chủ đầu tư…
Chiều ngày 17/6, tổng kết hoạt động của Tổ đặc nhiệm thời gian qua, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT, cho biết từ 10 đến 14/6/2015, Tổ đặc nhiệm đã triển khai 3 đợt kiểm tra tại các dự án mở rộng QL1 qua các đoạn Ninh Bình – Dốc Xây, đoạn Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà – Phú Yên, phát hiện nhiều tuyến đường xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, gây ảnh hưởng đến khai thác và ATGT.
Ông Hà dẫn chứng như tuyến tránh Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hiện tượng hư hỏng hiện nay đa số xuất hiện ở lớp bê tông nhựa phía trên, một số đoạn tuyến có hiện tượng xô dồn cục bộ.
Đồng thời, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên được ông Hà đánh giá là do nhận thức của các đơn vị chưa đồng đều. Các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu vẫn thiếu lực lượng cán bộ chuyên sâu về bê tông nhựa, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng kiểm soát các công đoạn thi công…
Do nhà thầu thiếu thông tin nên chưa thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ GTVT về thay đổi kết cấu mặt đường phù hợp với lưu lượng, tải trọng và tình trạng khai thác, ở các khu vực đèo dốc, khu công nghiệp, ngã ba, ngã tư chưa có giải pháp tăng cường kết cấu mặt đường thích hợp, trữ lượng không đảm bảo, phải thay đổi điều chỉnh về nguồn vật liệu, dây chuyền sản xuất thiếu ổn định do khan hiếm vật liệu khi các dự án đồng loạt triển khai…
![]() |
Phải có trách nhiệm với tiền của dân…
Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới uy tín toàn ngành GTVT, khiến người dân mất niềm tin. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: “Chỉ 1m hằn lún chúng ta cũng cảm thấy có lỗi với người dân. Dự án dù làm bằng vốn trái phiếu hay BOT, BT… thì đều là tiền của dân, của doanh nghiệp. Làm quản lý, mình phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp đúng đắn, nhanh chóng khắc phục”.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần phải xác định rõ vai trò của Ban QLDA và các bên liên quan, có văn bản chấn chỉnh. Bộ trưởng yêu cầu phía Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải xem xét, quy rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan để xảy ra hằn lún; sắp xếp, chấm điểm lại các nhà đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án.
Cùng với đó, “Thông tư hướng dẫn của Bộ cần phải thay đổi gì thì thay đổi ngay, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Cũng như, rà soát lại tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế, thi công, quy trình giám sát, quy trình nghiệm thu thanh toán. Đặc biệt phải cập nhật tình hình thực tiễn, cập nhật cả biến đổi khí hậu. Và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tải trọng xe, đặc biệt tại các kho hàng, bến cảng. Những dự án BOT không khắc phục được dứt khoát không cho thu phí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thêm vào đó, ông Hà cũng đề xuất đối với các dự án xuất hiện hư hỏng hằn lún vệt bánh xe, nhà đầu tư, Ban QLDA phải khắc phục ngay các đoạn tuyến hư hỏng; Điều chỉnh thiết kế phù hợp cho các đoạn tuyến. Yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tuân thủ đúng yêu cầu tập trung vật liệu tối thiểu 70% tại trạm trước khi tiến hành thí nghiệm cấp phối và rải thử.
Lê Thúy