Ngày 23/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tháo nút thắt từ Bộ GD&ĐT
Văn bản xét trên đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang tại văn bản số 6664/UBND-KGVX đề ngày 3/11/2021 về việc tiếp tục để các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) và ý kiến của các cơ quan: Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội.
Cơ sở vật chất của các trường nghề được đầu tư trang bị đầy đủ hơn so với nhiều trung tâm GDTX đã xuống cấp trầm trọng và không được đầu tư. |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp để khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp trung học phổ thông (THPT).
Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi học tập liên thông, suốt đời của người học, đúng với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 8/4/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.
Có thể nói, việc được tham gia tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT là điều mong mỏi của các cơ sở GDNN hiện nay.
Việc dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) theo học trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN (vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT) vốn được đánh giá đang là mô hình tốt thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN.
Nhất là với quy mô của hệ thống GDNN hiện nay là 1.909 cơ sở GDNN, bao gồm: 409 trường cao đẳng, 442 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN, có quy mô tuyển sinh trên 2,2 triệu người học mỗi năm.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh GDNN đã tăng hơn 21% so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt trên 85%, một số ngành nghề đạt 100%, với mức thu nhập bình quân tăng cao. Chất lượng và hiệu quả GDNN ngày càng được nâng cao. Điều này đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ khẳng định GDNN có nhiều chuyển biến.
Không để mất quyền lợi chính đáng và hợp pháp
Ngay cả việc sáp nhập những trung tâm GDTX kém hiệu quả vào trường nghề cũng được đánh giá là phù hợp. Như ở Thanh Hoá, vào tháng 8/2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định sáp nhập Trung tâm GDTX Nga Sơn vào Trường Trung cấp nghề Nga Sơn.
Sau khi sáp nhập, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và vùng lân cận, góp phần giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhà trường đều có giải. Kết quả thi tốt nghiệp THPT nằm tốp 10 toàn tỉnh...
Tuy nhiên, những bất cập, vướng víu bắt đầu xảy đến từ chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (tại Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX ngày 31/7/2020). Cụ thể, học sinh vào học trình độ trung cấp muốn học thêm văn hóa THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đến các trung tâm GDTX để học chương trình GDTX cấp THPT, chứ không được học tại các cơ sở GDNN như trước đây.
Điều này đã dẫn đến việc trường Trung cấp nghề Nga Sơn và các trường nghề trên cả nước gặp lúng túng trong khâu tuyển sinh năm học 2021–2022, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh.
Như ở trường Trung cấp nghề Nga Sơn, theo quyết định của UBND thì giao cơ sở vật chất, con người, chức năng và nhiệm vụ liên quan đến giảng dạy hệ GDTX và cấp THPT cho nhà trường. Nhưng, theo văn bản của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT thì trường không được phép giảng dạy...
Trong khi cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh năm học 2021-2022 định hướng cho học sinh và phụ huynh khi tham gia học tại trường sẽ được học song song một bằng văn hóa và một bằng nghề theo chương trình 9+.
Theo đánh giá từ giới truyền thông, với văn bản nêu trên của Bộ GD&ĐT khiến cho gần 1 triệu học sinh đang học hai hệ tại các trường nghề đang bị tắc nghẽn lối ra, bị đe dọa tước mất quyền lợi chính đáng và hợp pháp khi Bộ GD&ĐT không cho phép các trường nghề dạy văn hóa.
Giới chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất là học sinh học văn hóa hệ GDTX cấp THPT ngay tại cơ sở GDNN. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật ta khoản1 Điều 44 Luật Giáo dục 2019.
Hơn nữa, tại các trường nghề cũng có đội ngũ giáo viên dạy văn hóa đúng chuẩn. Cơ sở vật chất của các trường nghề cũng được đầu tư trang bị đầy đủ hơn so với nhiều trung tâm GDTX đã xuống cấp trầm trọng và không được đầu tư.
Không những thế, việc tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT còn giúp thuận tiện cho học sinh trong việc học tập, đi lại và sắp xếp thời gian. Và việc quản lý học sinh chỉ do trường nghề thực hiện sẽ hiệu quả hơn.
Thanh Loan