Thanh niên là những người có bản lĩnh và nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Vì thế, HTX sẽ là nơi để họ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Những thành viên có mô hình sản xuất kinh doanh lớn hỗ trợ những thành viên sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ. Đây là động lực cho thanh niên khi chưa tự tin trên hành trình khởi nghiệp.
Hỗ trợ nhau phát triển
Tháng 6/2018, HTX Nông nghiệp 81 (ở thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) được thành lập với 20 thành viên do anh Đoàn Công Tiến làm Giám đốc. Các thành viên HTX đều là những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X và có chung chí hướng làm giàu.
Với phương châm “Hỗ trợ nhau để cùng phát triển”, HTX chọn nông nghiệp làm lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu như: trồng nấm, cây dược liệu, chế biến và bảo quản rau củ, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, cung cấp giống cây trồng, tư vấn lắp đặt hệ thống tưới nước nông nghiệp…
Khi tham gia HTX, các thành viên phải cam kết sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định pháp luật, tôn trọng quy chuẩn hoạt động của HTX. Ngay sau khi thành lập, HTX đã đăng ký nhãn mác, bao bì, xây dựng trang Facebook riêng để các thành viên trao đổi và giới thiệu sản phẩm.
Trong số 20 thành viên của HTX chỉ có 10 người ở huyện Chư Pưh, còn lại ở huyện Chư Pah, Đak Đoa và Tp. Pleiku. Các thành viên đều có cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô từ 100 triệu đồng trở lên. Hiện tại, nguồn vốn hoạt động của HTX là trên 700 triệu đồng, các thành viên đều cam kết hỗ trợ nhau kịp thời về vốn cũng như giới thiệu đầu ra cho sản phẩm.
Là Giám đốc HTX, anh Đoàn Công Tiến có mô hình trồng nấm quy mô lớn nhất với 2.000 m2 trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm mèo. Sau 5 năm đầu tư trồng nấm, thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm của anh Tiến hiện đã mở rộng ra các tỉnh Phú Yên, Bình Định và Tp.HCM.
Với những thành viên có quy mô nhỏ và mới mở trại nấm, anh Tiến hỗ trợ phôi nấm, hướng dẫn kỹ thuật. Anh Đặng Đình Tấn (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) cho biết: “Khi tham gia HTX, mọi thành viên đều gắn kết, tương trợ lẫn nhau. Mỗi thành viên đều cố gắng giới thiệu sản phẩm của HTX với các đối tác. Khi làm trại nấm, tôi được anh Tiến hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho nấm, giới thiệu thị trường tiêu thụ”.
Mô hình chăn nuôi dê của HTX Chăn nuôi dê xã Ia Blứ |
Đồng hành cùng thanh niên
Cũng xuất phát từ mục đích tìm đầu ra cho sản phẩm, Đoàn Thanh niên xã Ia Blứ đã lên kế hoạch thành lập HTX chăn nuôi dê, kêu gọi được 12 thành viên tham gia. Mỗi thành viên đều có đàn dê từ 15 con trở lên. Ia Blứ là một trong những xã có tổng đàn dê lớn nhất huyện Chư Pưh với hơn 1.900 con.
Theo chị Trương Thị Ngọc Lan – Bí thư Đoàn xã Ia Blứ, việc tìm đầu ra cho đàn dê trên địa bàn lâu nay gặp khó khăn. Do đó, việc xây dựng một đầu mối chung để giới thiệu sản phẩm là vô cùng cần thiết. “Việc thành lập HTX chăn nuôi dê sẽ phát huy được thế mạnh của địa phương. Đây sẽ là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi dê nhằm tạo lợi nhuận cao nhất”, chị Lan khẳng định.
Từ khi thành lập, các HTX trên địa bàn huyện Chư Pưh đã nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành. Thông qua nhiều kênh của Đoàn Thanh niên, các HTX này đã kết nối với một số HTX khác trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Các sản phẩm kinh doanh được gắn nhãn mác của HTX sẽ dễ tiêu thụ hơn.
HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/ tháng trở lên. Các HTX xác định trong thời gian tới tiếp tục tìm tòi để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối với các đơn vị để tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Đồng thời, HTX sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên mới giúp thanh niên yên tâm lập nghiệp trên chính quê hương.
Đánh giá về hiệu quả của các HTX, anh Siu Jông – Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh, nhận định: Nhờ những HTX do thanh niên làm chủ, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần thiết thực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Hoàng Lê