Vậy “họ đã tác nghiệp như thế nào, họ sống sót ra sao, các phóng viên ảnh ở phía bên kia là ai?”, Patrick Chauvel - một phóng viên người Pháp từng tham gia tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam những năm chống Mỹ, đã phải đợi 40 năm để tìm ra một phần câu trả lời cho những câu hỏi của mình.
Hành trình cho lời giải?
Vào năm 2013, khi được mời đến giới thiệu bộ phim tài liệu có nhan đề “Phóng viên chiến trường tại Hà Hội”, Patrick Chauvel đã vô cùng cảm động khi thấy trong số công chúng tham dự có các phóng viên ảnh, nhà quay phim và nhà báo chiến trường xưa, những người “ở phía bên kia”. Đó là những người mà ông luôn ngưỡng mộ, song chưa một lần được chạm mặt trong cuộc chiến, vì họ là những người ở bên kia chiến tuyến.
“40 năm qua, tôi vẫn giữ ấn tượng mạnh trước những đồng nghiệp miền Bắc Việt Nam. Hồi đó, điều kiện làm việc của chúng tôi rất tốt, được trang bị tối đa, được bảo vệ an toàn, nếu bị thương sẽ có trực thăng đưa về Sài Gòn ngay, cứ hai ba ngày tác nghiệp ở chiến trường lại có thể bay về Sài Gòn nghỉ ngơi. Trong khi đó, điều kiện làm việc của các phóng viên miền Bắc Việt Nam rất khó khăn. Họ tác nghiệp nhiều tháng trời trên chiến trường, phải đối mặt với những nguy hiểm không khác gì những người lính chiến đấu. Dù vậy, họ vẫn có được những bức ảnh rất giá trị”, nhiếp ảnh gia Patrick Chauvel chia sẻ.
Vì vậy, trong lần gặp tình cờ này, sau cuộc gặp ngày hôm đó, ông đã ngược xuôi khắp các miền Bắc, Trung, Nam, để làm quen với các ông Mai Nam, Vũ Ba, Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính, Hứa Kiểm, Ngọc Đản, Minh Trường… (những phóng viên chiến trường Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ).
Để rồi họ - những người ở hai phía chiến tuyến, chưa từng một lần nói gặp mặt, sau bao nhiêu năm, đã cùng nhau xem lại những bức ảnh của một thời, khi mà Việt Nam còn bị chia cắt, khi mà con đường của họ đều quy tụ về vĩ tuyến 17 và khi mà công việc của họ đều hướng đến chung một mục đích là chấm dứt chiến tranh.
Cuộc gặp mặt giữa những người đồng nghiệp hai bên chiến tuyến sau 40 năm
Từ những cuộc gặp gỡ này, ông Patrick Chauvel đã nảy ra ý tưởng dự án “Những người miền Bắc”, một dự án lớn với nhiều “sản phẩm” cùng tên: một cuốn sách với những bức ảnh chưa được công chúng phương Tây biết đến, xuất bản tháng 9/2014, triển lãm “đinh” tại Liên hoan ảnh báo chí lớn nhất thế giới tại Perpignan (Pháp) cùng thời gian đó, một triển lãm khác tại Angkor Photo Festival & Workshops (Xiêm Riệp, Campuchia), một bộ phim tài liệu…
Đặc biệt, lần đầu tiên, một phóng viên người Pháp đã làm triển lãm giới thiệu ảnh của 4 đồng nghiệp (Mai Nam, Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính và Hứa Kiểm) tại Hà Nội những ngày giữa tháng Tư, gần với lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc Việt Nam “Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Tại triển lãm “Những người miền Bắc”, các phóng viên chiến trường khi xưa đã cùng nhau hội ngộ, kể cho nhau nghe những câu chuyện xen lẫn giữa chiến tranh và thời bình. Dường như những chiến tích, kỷ niệm về chiến trường Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những chiến sĩ, những phóng viên đã chiến đấu, tác nghiệp năm nào.
Khi vũ khí là máy ảnh
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam cho rằng chính những người lính, những người thanh niên trong kháng chiến đã động viên và tạo điều kiện để ông tác nghiệp. Ông học được ở họ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh.
“Trong chiến tranh, sự sống và cái chết mong manh lắm và có ai muốn chết. Nhưng khi đã đi vào chiến trường, tận mắt thấy được sự dũng cảm của những người thanh niên, những người dân quân, bộ đội… thì tôi đã không còn sợ gì hết. Phải có tinh thần như thế thì mới làm việc được. Cho nên, giữa mưa bom bão đạn, chúng tôi vẫn tác nghiệp, vẫn ghi lại những hình ảnh tốt nhất để đem về tuyên truyền”, Nghệ sỹ Mai Nam chia sẻ.
Với Nghệ sỹ , phóng viên ảnh Mai Nam, một trong những bức ảnh có giá trị với ông nhất là ảnh cô du kích 19 tuổi, Nguyễn Thị Hiền, phụ trách một nhóm 6 cô gái tải lương thực cho các đội quân Việt Nam dân chủ cộng hòa bảo vệ cầu Hàm Rồng chống lại máy bay ném bom Mỹ. Cô đã thoát hơn 380 cuộc không kích và đã 4 lần bị vùi trong đất cát sau những đợt bom nổ. Cùng với đồng đội của mình, Nguyễn Thị Hiền đã nhiều lần vác súng thay những người lính hy sinh.
Một góc nhìn hoàn toàn khác, góc nhìn của niềm tin, nghị lực, nụ cười và gan dạ qua góc máy của phóng viên Việt Nam.
Còn đối Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính - ông tự nhận mình là một người lính. Nhưng thay vì đeo khẩu Kalashnikov, vũ khí chính của ông là chiếc máy ảnh, với sứ mệnh thể hiện lòng dũng cảm của các chiến sĩ, cuộc đấu tranh của đồng đội mình. Chính trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất, từ năm 1970 đến năm 1972, trên các mặt trận Quảng Trị và Thừa Thiên, ông đã hoàn thành các tác phẩm của mình.
Chiến tranh khốc liệt là thế, nhưng vào chiến trường, những bức ảnh của Nghệ sĩ Đoàn Công Tính đâu chỉ là những cảnh đánh nhau dữ dội, mà ông đã ghi lại những khoảnh khắc mang màu sắc lãng mạn của những người lính. Đó là những bức ảnh về nụ cười chiến thắng, về tinh thần lạc quan của những người lính khi bản thân họ biết được là mình đang đấu tranh cho chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc.
Nghệ sỹ Đoàn Công Tính nhớ lại một trong những phóng sự đầu tiên của ông: “Khu rừng yên tĩnh bị lay chuyển bởi các đơn vị bộ binh và pháo binh di chuyển dọc đường mòn Hồ Chí Minh số 9. Người Mỹ rải thảm bom xuống chúng tôi, rồi lại thả truyền đơn kêu gọi gia nhập hàng ngũ, hứa hẹn cuộc sống xa hoa. Tôi đã sững sờ khi thấy sự tương phản giữa các hố bom đen ngòm và những tờ truyền đơn trắng ngập bàn chân những chiến sỹ của chúng tôi. Khi đó tôi mới thấy rõ sức mạnh của hình ảnh...”.
Hay với Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh TTXVN) cũng đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình trên chiến trường để đưa tin sự kiện. “Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, tôi vẫn nhìn thấy được tinh thần lạc quan, vui tươi của mỗi người lính sau các trận đánh. So với những bức ảnh của các nhà báo phương Tây, chúng tôi đã đem đến một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Những bức ảnh rất đỗi dung dị, nhưng thể hiện tư thế của những người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập: bình tĩnh, gan dạ, mà phi thường”, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chia sẻ.
“Nếu như những phóng viên ảnh nước ngoài thường chụp chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn đau thương, mất mát, tố cáo tội ác chiến tranh, thì những phóng viên Việt Nam lại cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác, góc nhìn của niềm tin, nghị lực, nụ cười và gan dạ”. Đây cũng là những gì ông Patrick Chauvel đã đúc kết được, sau 40 năm. Bởi đó là những bức ảnh không chỉ cho hiện tại mà còn hướng tới tương lai.
Lê Thúy