Lần đầu tiên, một phòng thực hành với các thiết bị đạt chuẩn công nghiệp (CN) 4.0 do một công ty công nghệ truyền động và điều khiển hàng đầu nước Đức là Bosch Rexroth tài trợ đã được đưa vào sử dụng tại trường đào tạo nghề của Việt Nam là Cao đẳng nghề công nghệ quốc tế LILAMA 2 ở tỉnh Đồng Nai.
Nguy cơ mất việc
Phòng thực hành này sẽ tham gia phân tích nhu cầu về kỹ năng tương thích với CN 4.0, xây dựng các mô đun đào tạo theo chuẩn CN 4.0 và điều chỉnh các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Đây được xem là hoạt động hợp tác có ý nghĩa nhất định đối với hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam hiện nay, vì có thể lồng ghép các bài học kinh nghiệm và kiến nghị về CN 4.0 vào khung quy định của đào tạo nghề. Khu vực doanh nghiệp (DN) cũng có thể tham gia vào hoạt động đào tạo này.
Như chia sẻ của ông Nikolay Kurnosov, Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia, tại hội thảo "Cách thức nền CN 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề" tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/9, lực lượng lao động có tay nghề cao tại các DN sẽ đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số tại Việt Nam. Các chương trình đào tạo sẽ phải theo kịp các xu hướng và phát triển CN 4.0 để giữ vững khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Ông Andreas Siegel, Tổng lãnh sự Đức tại Tp.HCM, cho biết với 16 nhóm công việc mà một công ty của Đức đang cần người ở Việt Nam, chỉ có… 1 người là có thể đáp ứng công việc, trong bối cảnh có tới 250.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về đào tạo nguồn nhân lực cho CN 4.0 để đáp ứng nhu cầu của DN.
Theo cảnh báo của giới chuyên gia, có đến 75% nhân công của Việt Nam sẽ có nguy cơ ảnh hưởng việc làm khi ứng dụng tự động hóa. Vậy, những nhân lực đó cần được đào tạo lại và đáp ứng được những ngành nghề gì? Trong khi đó, Cách mạng CN 4.0 lại có nhiều ngành nghề mới, có nhiều công việc có nhu cầu nhân lực cao để Việt Nam chuyển đổi.
Còn theo một thống kê được Gs.Ts. Georg Sp_ttl, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Steinbeis InnoVET, Đại học Bremen (Đức), công bố 60% người lao động làm các vị trí điện, cơ khí ở Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan có nguy cơ cao bị thất nghiệp do tự động hóa. Với việc áp dụng tự động hóa tại Việt Nam, khoảng 769.000 thợ vận hành máy khâu sẽ gặp rủi ro cao, trong khi 1,6 triệu thợ xây có rủi ro thấp hơn.
"Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thích đáng cho người lao động về CN 4.0 khi mà đang có rất nhiều nguồn nhân lực tại Việt Nam tham gia vào lĩnh vực sản xuất. Cho nên rất cần tìm ra giải pháp và định hình lại đào tạo phù hợp CN 4.0", Gs.Ts. Georg Sp_ttl nói.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho CN 4.0 là yêu cầu cấp thiết |
Chuyển đổi sang tư duy số
Giới chuyên gia nhận định xu hướng các công ty có chiều hướng phát triển CN 4.0 cao thường tăng mức độ trình độ chuyên môn cao từ 20 – 30% (công nhân có trình độ, kỹ năng tốt, thợ, kỹ thuật viên, bán kỹ sư…).
Các công ty này sẽ giảm hoàn toàn người lao động có trình độ thấp (bán kỹ năng hoặc không có kỹ năng). Cho nên, người lao động được đào tạo nghề nâng cao hoặc kỹ thuật theo hướng CN 4.0 sẽ có khả năng làm việc rất tốt và có cơ hội nghề nghiệp.
Chính vì vậy, theo Gs.Ts. Georg Sp_ttl, việc tái đào tạo thích ứng với CN 4.0 là điều cần thiết đối với đội ngũ nhân lực tại Việt Nam nhằm giảm nguy cơ mất việc. Nhất là cần học cách bắt đầu tư duy từ phần mềm, tìm hiểu các cấu trúc mạng, làm chủ các quy trình, học làm chủ các công nghệ dữ liệu lớn và làm việc với một loạt định dạng dữ liệu.
Gs.Ts. Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh thách thức của chúng ta cũng rất lớn nếu không chuyển đổi kịp sẽ dẫn đến phải đưa rất nhiều lao động Việt Nam đi ra nước ngoài để làm những công việc mà người dân của các quốc gia thích con người làm hơn là máy móc.
Một trong những câu hỏi được nhiều DN Việt đặt ra với các chuyên gia đào tạo của Đức là với thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn khiêm tốn – khoảng 2.000 USD/năm thì mang đào tạo CN 4.0 vào nhà trường có phù hợp không?
Theo Thứ trưởng Lê Quân, bài toán nguồn nhân lực cho Cách mạng CN 4.0 vẫn đặt ra rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi sang tư duy số. Cách mạng CN 4.0 đặt ra vấn đề với quản lý nhà nước là phải quan tâm nhu cầu xã hội đối với những nguồn nhân lực mới phải chuẩn bị và đáp ứng.
"Chúng ta phải trông vào 55 triệu lao động cần đào tạo và đào tạo lại, không đặt nặng bằng cấp mà chú trọng vào kỹ năng, phát triển các năng lực đáp ứng những yêu cầu mới. Việc đào tạo và đào tạo lại là cơ hội thị trường rất lớn. Và khi chúng ta có thị trường, có cơ chế, có khách hàng thì sẽ ra nguồn lực, chứ không phải chờ nguồn lực rồi mới đào tạo và đưa ra thị trường", Thứ trưởng Lê Quân lưu ý.
Thế Vinh