Để đào tạo nghề đúng và trúng, huyện Vân Đồn đã tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng lao động của địa phương để xác định ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội cần.
Bám sát nhu cầu thị trường
Anh Trần Văn Bảo (xã Đoàn Kết) là một trong những người được tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vân Đồn. Trước kia, anh Bảo vốn làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo lái xe cho lao động nông thôn, anh Bảo xin làm lái xe taxi, công việc và thu nhập ổn định hơn trước.
Cũng qua các khóa đào tạo nghề, nhiều mô hình kinh tế đã ra đời mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của mô hình "Gà bản Đầm Hà". Sau khi được hỗ trợ được đào tạo nghề, anh Nguyễn Văn Tuyền (xã Quảng Tân) mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở chuồng trại chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp.
Anh vận động 6 hộ trong thôn cùng thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương.
Đến nay, HTX Tuyền Hiền có trang trại nuôi gà rộng gần 2 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống, 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Hay như HTX thủy sản Đảo Phất Cờ (xã Hạ Long) trước đây thực hiện mô hình nuôi hàu, cá bằng các thùng xốp. Sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề về nuôi trồng thủy sản bền vững, HTX đã chuyển sang sử dụng phao nhựa HDPE. Ưu điểm của phao nổi này là thân thiện với môi trường, chịu được độ va đập cao, chống được bão cấp 11-12, chống được tia UV và chịu được độ bền của thời tiết rất tốt, lên đến 50 năm. Mô hình này đã mang lại thu nhập, tạo việc làm ổn định cho thành viên và người dân.
HTX Đảo Phất Cờ thay đổi phương pháp sản xuất hiệu quả, bền vững nhờ tham gia lớp đào tạo nghề. |
Có thể thấy, qua các khóa đào tạo nghề đã giúp người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào sản xuất, giúp tăng thu nhập cho gia đình, HTX. Trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời, huyện thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường.
Hiệu quả thiết thực
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng, theo nhu cầu thực tế của thị trường, người lao động sau khi được đào tạo sẽ có việc làm phù hợp tại địa phương, huyện đã bám sát định hướng phát triển Vân Đồn trong tương lai sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo lớn của tỉnh. Khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ cho các dự án lớn, các trung tâm du lịch chuẩn bị đi vào hoạt động là ưu tiên hướng đến.
Huyện cũng chia lao động theo các nhóm gồm: Có trình độ văn hóa thấp (cấp tiểu học) sẽ đào tạo và tạo việc làm tại chỗ bằng các loại hình lao động phổ thông, ít thời gian đào tạo, yêu cầu kỹ thuật đơn giản theo quy mô vừa và nhỏ. Còn nhóm lao động có trình độ, qua đào tạo nghề sẽ tham gia làm việc tại địa phương hoặc giới thiệu tìm việc ngoài địa phương tùy theo ngành nghề đào tạo để bố trí công việc phù hợp.
HTX Tuyền Hiền sản xuất thành công nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. |
Ngoài ra, huyện còn liên hệ với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn bố trí cho học viên thực hành, gắn với liên kết đầu ra cho người học nghề ngay sau khi tốt nghiệp, ưu tiên đối với người dân sống tại khu vực phải tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án...
Với cách làm này, sau khi đào tạo, đã có rất nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp với nghề được đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế và nguyện vọng người dân. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo rất hài lòng với nguồn nhân lực trên.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, hầu hết các lớp dạy nghề ở Vân Đồn được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất của địa phương, giúp học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào thực tế, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2020, đã có 365 lao động nông thôn trên địa bàn huyện được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp…
Rõ ràng, hiệu quả từ chính sách đào tạo nghề đã hỗ trợ công tác giảm nghèo của huyện, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Số hộ nghèo giảm từng năm, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2020, toàn huyện còn 167 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,43%. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trong thực hiện chính sách đào tạo nghề, từng bước mang lại cuộc sống mới cho người dân.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, góp phần đưa Vân Đồn phát triển dựa trên những thế mạnh của địa phương.
Tùng Lâm