Những năm gần đây, UBND xã Xuân Lộc luôn coi phát triển trồng trọt là hoạt động kinh tế trọng tâm, vừa phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương vừa góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập cho người dân, nên đã chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý. Với tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt khoảng 400 ha, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Lộc đã được UBND xã giao nhiệm vụ hỗ trợ người dân sản xuất.
Chú trọng tiêu chí sản xuất
Để nâng cao hiệu quả, HTX Xuân Lộc đã nghiên cứu, chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng như lúa, rau màu, ngô, cây ăn quả…
Trong quá trình sản xuất, HTX chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng phân bón sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX cũng hướng dẫn người dân sản xuất trên mô hình cánh đồng lớn với diện tích từ 25ha. Qua thực tế cho thấy, năng suất lúa ở mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt 76,5 tạ/ha, cao hơn so với lúa sản xuất bình thường tới 13 tạ/ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, việc đa dạng hóa các loại cây trồng còn giúp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro, từ đó bảo đảm thu nhập cho người dân và thành viên.
HTX Xuân Lộc hỗ trợ người dân trồng cây ớt hàng hóa để nâng cao thu nhập. |
Theo Ban giám đốc HTX, mô hình cánh đồng mẫu lớn dưới sự tổ chức sản xuất của HTX phù hợp với định hướng tái cơ cấu của huyện nên trong quá trình sản xuất, HTX được huyện hỗ trợ 100% chi phí mua giống lúa, hỗ trợ tiền công cày máy hoặc mua vật tư nông nghiệp thiết yếu với mức 1.600.000 đồng/ha. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ HTX tập huấn các kỹ thuật liên quan giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất.
Nhờ có HTX Xuân Lộc phát triển sản xuất theo Luật HTX 2012 mà đến nay, xã duy trì thường xuyên 295 ha lúa, 45 ha ngô và khoảng 40 ha các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt xuất khẩu, rau màu, cây ăn quả... Đồng thời, HTX luôn kết hợp với UBND xã khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng để dễ dàng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Nhờ đó, tỷ lệ hao hụt sau sản xuất nông nghiệp của người dân giảm 10-15%.
Đến nay, tổng diện tích cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch bình quân của HTX là 177,2 ha/vụ, đạt hơn 60% diện tích sản xuất nông nghiệp và thu nhập bình quân mỗi ha canh tác của đạt 90 - 95 triệu đồng/ha/năm.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn được triển khai trên địa bàn nhằm phát triển nông thôn toàn diện, trong đó quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Thời gian qua, HTX Xuân Lộc đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thành viên, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tích lũy từ hoạt động sản xuất để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Đến nay, tổng doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 1,36 tỷ đồng, bảo đảm là nền tảng hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh.
Về đích đúng hẹn
Ngoài chú trọng phát triển mô hình HTX, xã Xuân Lộc còn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi bảo đảm các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Toàn xã có 6 gia trại, trong đó có 4 gia trại chăn nuôi lợn hướng nạc quy mô 15 lợn nái và khoảng 50 lợn thịt/lứa. Các gia trại trên địa bàn xã cho thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/gia trại/năm.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã Xuân Lộc còn phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề nông thôn. Toàn xã có 14 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 17 xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách và khoảng 800 lao động làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất.
Nông thôn mới mang lại diện mạo mới cho miền quê. |
Ngoài ra, trên địa bàn xã Xuân Lộc có nghề làm nón lá truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động, thu nhập bình quân hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng. Các ngành công nghiệp - xây dựng, như: hàn xì, sửa chữa cơ khí nhỏ, mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm... cũng phát triển ở quy mô nhỏ. Sự đa dạng ngành nghề nông thôn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp.
Từ những hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã Xuân Lộc đạt 12%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,75%...
Vượt qua được những khó khăn ngay cả khi xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến tháng 8/2021, xã Xuân Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Vững tin bước vào giai đoạn mới (2021-2025), xã Xuân Lộc hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để làm được điều này, xã sẽ tăng cường công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, mở rộng diện tích cây màu vụ đông, tập trung sản xuất các loại cây trồng có giá trị hàng hóa cao...
Tùng Lâm