Sau gần 2 năm làm việc tại một số khách sạn và cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang, anh Triệu Mềnh Kinh (ở bản Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, cũng như cách làm mô hình du lịch. Từ đó, anh bắt đầu có ý tưởng làm du lịch cộng đồng.
Khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng
Theo anh, Hoàng Su Phì không chỉ có những thửa ruộng bậc thang uốn mình tuyệt đẹp trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, mà còn có vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao nơi đây.
Mô hình nhà du lịch cộng đồng. |
Có niềm tin vào ý tưởng của mình, năm 2015 anh Kinh trở về quê nhà ở bản Nậm Hồng, bàn bạc với vợ con quyết định mua sắm trang thiết bị, sửa sang, trang trí lại ngôi nhà truyền thống của mình theo tiêu chuẩn du lịch cộng đồng để tiếp đón du khách đến tham quan, khám phá.
Dần dần homestay của anh trở thành điểm đến của nhiều du khách. Tuy nhiên với không gian nhỏ của gia đình, mỗi ngày chỉ đón được 10 khách, so với nhu cầu thực tế lại rất lớn. Vì vậy anh đã quyết định thành lập HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng.
“Ngôi nhà truyền thống của gia đình vừa để các thành viên trong gia đình sinh hoạt, vừa là nơi đón tiếp du khách đến trải nghiệm, khám phá thì không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách và mình khó phát triển thêm được. Vì vậy, tôi đã quyết định thành lập HTX”, anh Kinh chia sẻ.
Năm 2017, HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng được thành lập, gồm 7 thành viên. Mô hình nhà du lịch cộng đồng của HTX được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà đất, lợp lá cọ truyền thống của đồng bào Dao, bao gồm khu Hoàng Su Phì Bungalou 7 phòng khép kín và Dao’ homestay.
Năm 2019, HTX đón trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế, chủ yếu là khách từ châu Âu, với nguồn thu gần 500 triệu đồng. Với chi phí dịch vụ hợp lý từ 300.000 - 1.200.000 nghìn đồng/ khách/ngày đêm, bao gồm cả dịch vụ ăn uống, đã đem lại sự hài lòng cho du
Biết khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, HTX của anh Triệu Mềnh Kinh cho thu nhập gần 500 trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên dân tộc ở địa phương và mô hình đã được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Sau giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, HTX du lịch của Triệu Mềnh Kinh đã bắt đầu đón khách trở lại với phương châm vừa thực nghiêm các quy định phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện để du khách đến thăm, trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa nơi này.
Truyền nghề cho thanh niên địa phương
Anh Triệu Tạ Vủi, thành viên HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng, chia sẻ, tham gia HTX có rất nhiều thuận lợi, giúp anh có kỹ năng giao tiếp tốt, đưa khách trải nghiệm, khám phá nhiều địa danh đẹp cũng như bản sắc văn hoá của người Dao. Qua mô hình này không chỉ đoàn viên, thanh niên mà nhận thức của đồng bào Dao về du lịch cộng đồng hoàn toàn thay đổi.
Nhiều thanh niên địa phương được đào tạo nghề miễn phí làm du lịch cộng đồng. |
Trong quá trình thực hiện, mỗi thành viên của HTX được dự án “Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng du lịch cộng đồng” hỗ trợ 60 triệu đồng để phát triển mô hình của mình. Qua đây anh Kinh cùng các thành viên được dạy cách quản lý điều hành, bày trí không gian cho homestay, kỹ năng nấu ăn, giao tiếp, học tiếng anh...
Với nguồn thu ổn định từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng/người từ mô hình du lịch cộng đồng, các thành viên trong HTX Nậm Hồng ngày càng có niềm tin, gắn bó với mô hình HTX du lịch cộng đồng.
Với mong muốn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, anh Triệu Mềnh Kinh, Chủ nhiệm HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng đã mở lớp truyền đạt kinh nghiệm làm mô hình homestay cho các thanh niên ở vùng cao sơn cước của tỉnh Hà Giang.
Theo ông Triệu Mềnh Quyên, Bí thư Đoàn xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nhờ có mô hình HTX du lịch cộng đồng của anh Kinh đến nay phần lớn đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã đã biết thêm một nghề mới nâng cao thu nhập cho gia đình.
Không những góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của chính mình mà còn được nhiều hộ học hỏi làm theo. Ngoài 7 thành viên HTX, hiện nay trong bản đã có 7 hộ người Dao làm mô hình du lịch cộng động có thu nhập ổn định.
Thy Lê