Liên kết HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề tại Hậu Giang đang phát huy hiệu quả cao |
Gần 3 năm qua, cái “bắt tay” giữa HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, CTCP Phân bón Cò Bay và Công ty xăng dầu Nguyên Lộc (Cần Thơ) đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất, tạo nên mộc cuộc cách mạng trong tư duy của hàng chục hộ dân xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh.
Hình thành liên kết
Ông Vu Suổi – Giám đốc HTX Thạnh Thắng, cho biết: “HTX triển khai liên kết với doanh nghiệp từ năm 2017, chú trọng vào khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện để mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân phát triển mô hình trồng dứa”.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ mua phân bón trả chậm, tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn khoa học – kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp năng suất chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX liên tục mở rộng diện tích trồng dứa. Hiện, HTX đang có trên 50ha dứa VietGAP, sản phẩm của HTX đã được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị BigC, C.oop Mart Hậu Giang và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Tp.HCM, Hà Nội…
“Sự đồng hành của công ty với HTX nhằm giúp người nông dân có đủ phương tiện sản xuất, tiếp cận với các loại phân bón chất lượng, sản xuất ra nông sản sạch, giảm chi phí và tăng lợi nhuận”, ông Tống Bằng Phi - Giám đốc công ty xăng dầu Nguyên Lộc, cho hay.
Tương tự, tại HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), liên kết với Công ty Tiến Thịnh đã mở ra cơ hội lớn cho thành viên và hộ liên kết. Liên kết với doanh nghiệp giúp HTX đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.
Giám đốc HTX Hòa Mỹ, ông Võ Văn Phải cho biết: “Sau khi ký kết với công ty, HTX nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ địa phương trong tập huấn, đào tạo nghề, nâng cao kỹ thuật trồng mãng cầu cho thành viên theo phương pháp tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng đủ cung ứng lâu dài cho công ty”.
Liên kết dạy nghề đang tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn tại Hậu Giang |
Giải quyết việc làm
Nằm trong chuỗi chương trình hưởng ứng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, các mô hình liên kết sản xuất, dạy nghề giữa HTX, doanh nghiệp tại Hậu Giang đang góp phần nâng cao vị thế của người lao động nông thôn.
Ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành A, cho biết: “Sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp giúp các địa phương triển khai đào tạo nghề theo phương châm “Cầm tay, chỉ việc”, giúp người học dễ hiểu, để áp dụng vào thực tế tại gia đình, qua đó, mở ra cơ hội việc làm lớn hơn”.
Những đóng góp của HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề đang giúp Hậu Giang gặt hái những kết quả tích cực trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề trên 8.900 lao động, đạt hơn 137% kế hoạch năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,4%.
Theo ngành lao động - thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 25,4%, năm 2018 là 49,1% thì đến tháng 9/2019 đã tăng lên 51,4% và ước tính trong năm 2019 sẽ đạt 54,2%.
“Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực, trở thành giải pháp căn cơ và bền vững để các địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 2%/năm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Hồng Xuân Bình – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang nhấn mạnh.
Trong thời gia tới, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thành, nhân rộng mô hình liên kết HTX và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng liên kết giữa các trường nghề và doanh nghiệp, hướng tới các nghề phi nông nghiệp như quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, may thời trang, thú y, cơ khí…
Sáu Ngạn