Chương trình đào tạo nghề tại Sóc Sơn đang phát huy hiệu quả với trên 80% lao động có việc làm |
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ luôn được huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm, với các chính sách đồng bộ từ tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến hỗ trợ thực tiễn tại khắp các địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết về đào tạo nghề, chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã, thị trấn, các ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Huyện chủ động ký hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 6 cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, với hình thức đa dạng, phong phú.
Các đài phát thanh, truyền hình, thông tin đại chúng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chương trình nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm.
Huyện cũng phối hợp với các xã, thị trấn treo băng rôn, phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến toàn bộ người dân và người lao động, đảm bảo trên 80% số hộ dân nắm bắt được chính sách của Nhà nước.
Đặc biệt, huyện còn lồng ghép chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chương trình học nghề cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học nghề cho người khuyết tật, chương trình nông thôn mới, chương trình khuyến nông, khuyến công, cùng các chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Kết quả, năm 2018, huyện đã tổ chức được 60 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.087 lao động nông thôn. Sau đào tạo, có 1.771 lao động có việc làm, đạt tỷ lệ 84,86%.
Năm 2019, đến thời điểm này, huyện Sóc Sơn đã tổ chức được 20 lớp dạy nghề cho 689 lao động. Sau học nghề, 575 người đã có việc làm, đạt tỷ lệ 83,45%.
Các nghề phi nông nghiệp đang được huyện chú trọng |
Tăng cường liên kết
Không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, những thành công ấn tượng trong đào tạo nghề tại Sóc Sơn đến từ sự liên kết, phối hợp linh hoạt giữa địa phương, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.
“Thời gian qua, huyện luôn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp, HTX nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề. Các chương trình đào tạo cũng bám sát với nhu cầu của doanh nghiệp, HTX nhằm nâng cao tỷ lệ có việc làm cho lao động sau đào tạo”, ông Lê Hữu Mạnh cho hay.
Điển hình, HTX mỹ nghệ Thu Hồng (xã Xuân Thu) đang là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề của huyện nhờ chủ trương phát triển sản xuất gắn với nâng cao trình độ cho thành viên, nông dân liên kết.
Được thành lập năm 2016, hiện HTX có 15 thợ lành nghề, trong đó có 4 nghệ nhân. Hai nghệ nhân trong số đó là ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Quang Trường từng được HTX cử đi học các khóa đào tạo để kết hợp giữa phong cách hiện đại và phong cách truyền thống để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay.
Tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, những năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn, chè theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Giám đốc HTX Đào Thị Quý cho biết: “HTX hiện có 30 thành viên, sản xuất 150ha chè an toàn. HTX đang đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu, từ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng đến bao tiêu một phần sản phẩm”.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Thanh Xuân hiện có 26 nhóm sản xuất rau an toàn với 157 thành viên tham gia, tổng diện tích trên 34ha. Các thành viên HTX được dạy nghề trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” trong quá trình sản xuất.
Nhờ chất lượng được kiểm soát, mỗi tháng, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ 60-80 tấn rau, củ, quả các loại với giá ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân của người lao động HTX đạt 70 – 90 triệu đồng/năm.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), cho hay: “Các hoạt động sản xuất gắn với đào tạo nghề của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đang thay đổi tư duy của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho nông sản”.
Sáu Ngạn