Phú Tân là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, giáp ranh với huyện Long Phú, TP. Sóc Trăng, có tuyến Quốc lộ 60 và tỉnh lộ 932 đi qua. Toàn xã có 6 ấp, 3.461 hộ với 14.649 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống đan xen với nhau. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ gần 80% dân số.
Đào tạo theo thực tiễn
Những năm qua, người dân Phú Tân chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành nghề truyền thống địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, làm bánh,...
Phước Tân chú trọng dạy nghề giúp nông dân xây dựng thành công mô hình lúa đặc sản RVT (Ảnh TL). |
Trong trồng trọt, liên tục kể từ năm 2018 đến nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, tổ chức nhiều buổi hội thảo đầu bờ, các khóa tập huấn, dạy nghề trồng lúa đặc sản RVT cho người dân ấp Phước Thuận, xã Phú Tân.
Tại các buổi hội thảo, tập huấn, nông dân ấp Phước Thuận được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi về quy trình chăm sóc lúa khoa học, nhất là khâu vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế mầm bệnh, kỹ thuật bón phân theo khuyến cáo nhằm giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường nông thôn.
Kết quả, đến nay mô hình trồng lúa RVT đang phát triển ổn định, với khả năng chống chịu được sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau khoảng 90 ngày cho thu hoạch, năng suất đạt trên 7 tấn/ha.
Thời gian tới, xã Phú Tân sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ, giúp nông dân phát triển cánh đồng lớn sản xuất lúa RVT, xây dựng vùng nguyên liệu thuần chủng, dễ dàng bán cho các HTX, công ty thu mua số lượng lớn, giúp gia tăng thu nhập.
Cùng với nghề trồng trọt, nghề đan đát ở xã Phú Tâm cũng đang tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội địa phương.
Làng nghề đan đát Phước Quới đang là điểm sáng làm nghề hiệu quả của xã. Trước đây, bà con Phước Quới rất nghèo, đa số bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính nhưng vẫn không đủ ăn. Nhờ nghề đan đát với những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé… được tiêu thụ khắp vùng, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm đáng kể.
Để phát triển bền vững nghề đan đát, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, xã đã vận dụng các nguồn lực hỗ trợ để thành lập HTX làng nghề Phú Tân. Hiện, các thành viên tham gia HTX được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất.
Góp phần nâng cao thu nhập
Chị Thạch Thị Phuông, thành viên HTX làng nghề Phú Tân, chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, về làm dâu làng này, không nghề nghiệp, ruộng vườn thì ít, ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm thuê. Khi vào HTX được dạy nghề, vay vốn phát triển sản xuất, kinh tế gia đình mới dần ổn định”.
Đan đát là nghề truyền thống của xã đang tạo việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động (Ảnh TL). |
Hiện, bên cạnh nghề đan đát cho thu nhập ổn định 4 – 5 triệu/tháng, chị Phuông phát triển thêm nghề chăn nuôi heo. Với kiến thức từ lớp tập huấn chăn nuôi an toàn sinh thái của xã, chị duy trì đàn heo gần 30 con/lứa, cho giá trị trên 50 triệu đồng/năm.
Phó Giám đốc HTX Làng nghề Phú Tân, ông Lý Minh Tâm cho biết, để duy trì và phát triển nghề đan đát, HTX đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ thành viên, hộ liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng việc kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua.
Đồng thời, HTX liên hệ các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các mẫu đan với nhiều loại sản phẩm theo hình thức thu nhỏ, làm quà lưu niệm để bán cho du khách, nhằm giúp thành viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo đại diện UBND xã Phú Tân, phần lớn lực lượng lao động tại địa phương là lao động nông nghiệp, nên việc lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp được xã chú trọng.
Thời gian tới, bên cạnh phát huy hiệu quả các nghề truyền thống như đan đát, vẽ tranh trên kiếng, xã sẽ đẩy mạnh hoạt động dạy nghề trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân tự tin xây dựng các mô hình sản xuất quy mô, hiệu quả cao.
Hưng Nguyên