Tại Hội nghị tổng kết việc triển khai Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 vừa được tổ chức, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2019, các bộ, ngành địa phương bố trí được khoảng trên 1.300 tỷ đồng kinh phí ngân sách trung ương thực hiện các nội dung, hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn.
![]() |
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,4%, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. |
Kết quả, giai đoạn này đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đào tạo dưới 3 tháng là 2,85 triệu người, đạt 74% kế hoạch, trong đó có trên 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%), 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp(chiếm 64%). Người dân tộc thiểu số có 450.000 người (chiếm 15,8%), người thuộc hộ nghèo chiếm 7,02%, người khuyết tật chiếm 2,11%, còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,4%.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có gần 18 triệu lao động làm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; trong đó số lượng lao động đã qua đào tạo là 4,31 triệu người. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 theo Đề án 1956 được 2,5 triệu người. Đội ngũ lao động qua đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn và cải thiện chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, cả nước có khoảng 850 cơ sở tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cung cấp lao động cho ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang quản lý 32 trường đại học, cao đẳng được bố trí trên toàn quốc có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đã xây dựng được 140 khung chương trình, giáo trình và 34 kỹ năng nghề nông nghiệp phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, tập huấn.
P.L