Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Bình Phước gần đây đã phối hợp Công ty TNHH CPV Food, Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (Chơn Thành), tổ chức khai giảng lớp dạy nghề ngắn hạn kỹ thuật chế biến gà cho 35 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Phước An, huyện Hớn Quản.
Tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề
Các học viên dân tộc thiểu số ở lớp dạy nghề này được đào tạo miễn phí, học tại địa phương nên không phải mất chi phí đi lại. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt tiêu chuẩn được công ty phối hợp đào tạo hướng dẫn nộp hồ sơ tuyển dụng vào làm việc tại công ty.
Huyện Hớn Quản gìn giữ nghề truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết: Trước nay, đào tạo nghề hướng về nông nghiệp, nhưng đợt này, đào tạo nghề có định hướng theo phi nông nghiệp. Cụ thể là “tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề” trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm.
Không chỉ với lớp dạy nghề nêu trên, thời gian qua, huyện Hớn Quản đã phối hợp với các ban ngành của tỉnh và doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề nhằm đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Hớn Quản đã đào tạo nghề cho 793 lao động và giải quyết việc làm cho trên 3.800 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số... Ngoài ra, huyện còn phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Có thể nói, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hớn Quản là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, nhiều ý cho rằng mô hình dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số ở huyện Hớn Quản cần khắc phục một số mặt hạn chế: các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp có thời gian đào tạo ngắn, chưa tổ chức đào tạo các nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật chất lượng cao nên chưa đáp ứng lao động có tay nghề phục vụ cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động.
Thời gian tới, huyện Hớn Quản sẽ tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để đào tạo nghề, nhất là tổ chức tư vấn trực tiếp tại địa phương.
Tạo việc làm từ các mô hình nông nghiệp
Ngoài ra, huyện Hớn Quản còn kịp thời chỉ đạo các xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các phòng chức năng có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn giải quyết việc làm đầu tư phát triển sản xuất.
Hiện nay, nông dân trong huyện cũng rất chú trọng học hỏi và áp dụng các kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Như trường hợp ông Phạm Văn Chung ở tổ 8, khu phố 1, thị trấn Tân Khai, cách đây 3 năm sau khi đi học kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao phù hợp khí hậu, đất đai ở Hớn Quản đã quyết định chuyển đổi 5 sào đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng.
Ông Chung cho biết đến nay, việc xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước, bón phân... được ông thực hiện như một kỹ sư chuyên nghiệp.
Mô hình trồng dưa lưới giúp nâng cao đời sống cho lao động địa phương. |
“Nhu cầu tiêu thụ dưa lưới trên thị trường rất lớn, tôi chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp ở Bình Dương, Tp.HCM. Một vụ dưa, tôi thu lãi từ 250-300 triệu đồng nên sau một năm đã thu hồi vốn và có lời”, ông Chung phấn khởi nói.
Đến nay, diện tích trồng dưa lưới ở Hớn Quản đã tăng lên hàng chục héc ta, hướng đến thành lập HTX dưa lưới công nghệ cao trong thời gian tới.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Hớn Quản đã và đang tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, toàn huyện có 249 trang trại, 24 tổ hợp tác nông nghiệp, 15 HTX. Các trang trại đã tạo việc làm cho 5.167 lao động, trong đó 2.219 lao động thường xuyên và 2.948 lao động thời vụ.
Trong đó, có thể kể đến HTX tiêu sạch liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice theo phương thức đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bao tiêu đầu ra. Hoặc như HTX bưởi da xanh cung cấp bưởi cho các siêu thị đạt chuẩn đầu ra 1,4-1,5kg/trái, bảo đảm thu nhập bình quân của mỗi thành viên 78,5 triệu đồng/năm...
Thanh Loan