Chị Nguyễn Thu Thảo (xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết, chị học may công nghiệp từ khoảng 5 năm trước, sau khi tham gia lao động ở các doanh nghiệp may, hiện nay chị đã tự mở cho mình một tiệm may để làm chủ.
Cùng doanh nghiệp dạy nghề
“Từ nguồn thu nhập may, kinh tế gia đình dần đi vào ổn định, con cái được chăm lo học hành đến nơi đến chốn, đời sống khá giả thì đời sống văn hóa cũng được nâng lên”, chị Thảo cho biết.
Các lớp dạy nghề may công nghiệp thời gian qua đã giúp ổn định công việc và nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ ở xã An Phước. Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phối hợp chính quyền huyện Mang Thít mở lớp đào tạo nghề trong doanh nghiệp (nghề may công nghiệp) tại xã Tân An Hội.
Khai giảng một lớp dạy nghề trong doanh nghiệp ở xã Tân An Hội. |
Lớp này dạy các kiến thức, kỹ năng của lĩnh vực may công nghiệp. Cuối khóa, học viên được kiểm tra hoàn thành khóa học và trung tâm cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như vậy đã được chuẩn bị và mở lại cho lao động sau các tác động của dịch Covid-19.
Trên cơ sở đào tạo nghề tại các doanh nghiệp nói trên, lao động nông thôn trong xã sau khi học sẽ có nghề, được giải quyết việc làm, góp phần tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hoặc như việc đào tạo nghề xây dựng dân dụng ở Mang Thít cũng đang thu hút nhiều học viên. Vừa qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít đã bế giảng một lớp sơ cấp nghề xây dựng dân dụng tại ấp Thạnh Phú B, xã Nhơn Phú.
Được biết, qua thời gian tham gia lớp học, các học viên ở xã Nhơn Phú đã được tìm hiểu kiến thức an toàn lao động; các loại vật liệu xây dựng; kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật gia công lắp dựng ván khuôn, cốt thép và thực hành xây dựng các công trình đơn giản…, đặc biệt, lớp học nghề này đã tận dụng nguyên vật liệu thực hành để xây dựng đường đan ở ấp Thạnh Phú B dài 140m, ngang 1m6 với tổng kinh phí 34 triệu đồng.
Qua lớp học như trên đã trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao tay nghề trong xây dựng để lao động ở xã Nhơn Phú có cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Theo đánh giá, các lớp như may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc nghề xây dựng ở Mang Thít khi đào tạo xong thông qua sự kết hợp với doanh nghiệp là học viên đều có việc làm, thậm chí là nhu cầu sử dụng lao động cao hơn so với số lượng lao động được đào tạo bài bản. Các doanh nghiệp có nhu cầu luôn gắn kết chặt chẽ nên ít xảy ra tình trạng đào tạo xong không có việc làm.
Giúp người nghèo có việc làm
Trong 5 năm trở lại, thông qua các hoạt động đào tạo nghề và tạo sinh kế cho người dân, huyện Mang Thít giải quyết việc làm cho 10.046 lao động. Thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm.
Công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện được đánh giá là góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người nghèo ở địa phương vươn lên. Các hộ nghèo, cận nghèo trong huyện được hỗ trợ vốn, đào tạo nghề giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án sản xuất. Huyện đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,49% năm 2015 xuống còn 0,89% vào năm 2019.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm là sự bắt tay của chính quyền và doanh nghiệp nên cũng tạo điều kiện rất tốt cho người lao động nghèo sau khi học nghề.
Các làng nghề truyền thống ở Mang Thít được củng cố phát triển nhằm tạo việc làm cho lao động địa phương. |
Ngoài ra, huyện Mang Thít còn chú trọng phát triển kinh tế tập thể nhằm thu hút thêm nguồn lao động nghèo ở địa phương. Ở huyện hiện có 17 HTX đang hoạt động hiệu quả và hơn 210 tổ hợp tác sản xuất (trong đó có 190 tổ hợp tác sản xuất lúa, 3 tổ hợp tác sản xuất màu, 6 tổ hợp tác sản xuất vườn, có 3 tổ hợp tác sản xuất thanh long, 1 tổ hợp tác sản xuất bò, 1 tổ hợp tác sản xuất cá, 6 tổ hợp tác sản xuất dịch vụ).
Hơn nữa, các làng nghề truyền thống trong huyện cũng được củng cố và phát triển như làng nghề chằm lá ở xã Long Mỹ, làng nghề đan đát ở xã Hòa Tịnh, làng nghề dệt chiếu thảm ở xã Tân Long Hội, làng nghề đan thảm lục bình ở xã Chánh Tịnh, An Phước.
Để tạo thêm sinh kế cho lao động nông thôn, Mang Thít còn phân vùng sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển làng nghề như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại ở các xã Chánh An, An Phước gắn với các cơ sở chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản; vùng chuyên canh màu xã Long Mỹ gắn với phát triển các cơ sở sơ chế nông sản, chế biến thực phẩm.
Thanh Loan