Trong 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Đăk Pxi đã thực hiện đào tạo cho gần 1.000 lượt lao động, thuộc 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau đào tạo, 90% lao động có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều cá nhân tham gia thành lập, làm việc hiệu quả tại các HTX, tổ hợp tác.
Đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu
Đến Đăk Pxi hiện tại, ấn tượng lớn nhất đến từ sự chuyển biến về nhận thức của người dân. Đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó là tinh thần tự lực, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Hoạt động đào tạo nghề nông thôn của xã được đẩy mạnh theo nhu cầu của thị trường (Ảnh TL). |
Theo lãnh đạo UBND xã, thành công trên đến từ các chính sách hỗ trợ thiết thực của địa phương, trong đó có hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu, đúng nhu cầu thực tiễn, giúp người dân nắm chắc kiến thức, vận dụng linh hoạt vào quá trình phát triển nghề nghiệp.
Đơn cử như tại làng Linh La, có trên 125 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hiện hộ nào cũng chăm lo lao động sản xuất nhờ được dạy nghề trồng trọt. Cây cà phê từ “cây cứu đói” dần trở thành “cây thoát nghèo”, “cây làm giàu” trên địa bàn.
Chị Y Vân, thành viên Tổ hợp tác trồng cà phê làng Linh La chia sẻ, nhà chị chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2019, sau gần 2 năm theo học lớp dạy nghề trồng cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, sau khi học nghề, chị được tạo điều kiện tham gia vào tổ hợp tác của làng, có điều kiện thuận lợi để trao đổi kiến thức, hoàn thiện canh tác, tiếp cận thị trường, ổn định giá bán, qua đó đảm bảo lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm từ 0,5 ha đất.
Ở Đăk Pxi còn phát triển mạnh nghề trồng và sản xuất măng khô. Được dạy nghề chuyên sâu, nắm chắc kiến thức, hàng chục hộ dân trên địa bàn các làng Linh La, Kon Kơ La đã thoát nghèo và hình thành thương hiệu “Măng le Đăk Pxi” nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Chị Lương Thị Kiều, chủ một lò sấy măng cho biết, măng khô Đăk Pxi có hương vị đặc trưng, thơm, giòn, ngọt, màu sắc vàng tươi. Tuy nhiên, trước đây do sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún nên giá trị kinh tế chưa cao.
Từ tháng 9/2017, khi có chủ trương xây dựng măng le thành sản phẩm đặc trưng, công tác đào tạo nghề để nâng cao trình độ sản xuất cho người dân được xã đẩy mạnh. Ngoài ra, các hoạt động kiểm định chất lượng, quản lý quy trình sản xuất, đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác, mã vạch, tìm kiếm thị trường… cũng được quan tâm.
Kết quả là trong tháng 10/2017, sản phẩm đặc trưng “Măng le Đăk Pxi” được ra mắt. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh măng khô đã trở thành một trong những hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Mở rộng các lĩnh vực đào tạo
Bên cạnh trồng trọt, xã Đăk Pxi còn đẩy mạnh dạy nghề chăn nuôi. Năm 2020, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà mở lớp đào tạo nghề nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) cho nông dân trên địa bàn.
Mô hình nuôi heo sọc dưa đang có nhiều triển vọng phát triển ở Đăk Pxi (Ảnh TL). |
Tham gia lớp đào tạo có 27 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn xã Đăk Pxy. Trong thời gian gần 3 tháng, các học viên được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách nhận biết đặc điểm các giống heo để lựa chọn làm giống.
Các học viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phát hiện các loại bệnh thường gặp trên đàn heo nói chung và đàn heo sọc dưa nói riêng theo từng chu kỳ sinh trưởng và phát triển, thực hành sử dụng các loại vắc xin, cách tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn Đăk Rơ Wang chia sẻ, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả mô hình nuôi heo sọc dưa, xã thường xuyên có các đợt tập huấn, tổ chức cho bà con đi tham quan các mô hình lớn hơn để học hỏi, phát triển thêm.
“Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, trích khoảng 30% tiền dịch vụ môi trường rừng để làm quỹ cho bà con vay. Ví dụ, nếu bà con đầu tư hết 20 triệu thì để xây chuồng trại, còn chúng tôi cho vay để mua con giống ban đầu”, ông Sơn cho hay.
Vào tháng 3/2021, xã Đăk Pxi thành lập Tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa với sự tham gia của 20 thành viên. Đây là tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa đầu tiên của huyện Đăk Hà, qua đó định hướng để các hộ nông dân liên kết sản xuất, tiếp cận, áp dụng khoa học trong chăn nuôi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, xã Đăk Pxi sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề theo hướng đa dạng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tích cực vận động thành lập HTX, tổ hợp tác, mở cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sau khi học nghề.
Nhật Minh