Ông Phạm Hoàng Phúc ở xã Phước Vân (huyện Cần Đước) từng trồng rau nhiều năm nay nhưng năng suất không cao. Sau đó, khi ông đăng ký học lớp dạy “Kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao” do địa phương mở ra đã giúp ông có nhiều kiến thức thiết thực, bổ ích.
Áp dụng kiến thức đã học
Sau khi học, ông Phúc dần loại bỏ những tập quán canh tác sản xuất cũ và sử dụng phân hữu cơ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, 0,4ha đất trồng hành của ông phát triển rất tốt, ước năng suất tăng nhiều hơn trước.
Nhiều nông dân ở Long An học lớp dạy “Kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao” |
Ở Long An, những nông dân như ông Phúc không hiếm là bởi ngoài việc quan tâm đào tạo nâng cao kiến thức cho nông dân, huyện Cần Đước còn phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tập trung hỗ trợ phát triển các HTX và thúc đẩy đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ở các HTX.
Đơn cử như HTX rau an toàn Mười Hai tại ấp 4 xã Long Khê đã hỗ trợ, củng cố, nâng chất lượng hoạt động các HTX, doanh nghiệp đã hỗ trợ mở rộng diện tích VietGAP, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Mặt khác, huyện còn tạo điều kiện cho các Tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đăng ký chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.
Đến nay, huyện Cần Đước triển khai 2 mô hình trình diễn nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm với gần 500ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đạt hơn 70% kế hoạch. Trong năm 2020, huyện Cần Đước tiếp tục xây dựng 3 mô hình điểm, diện tích 0,2 ha/ mô hình, tại 3 xã Tân Trạch, Mỹ lệ, Phước Vân. Đồng thời, tổ chức nhân rộng mô hình với hơn 200 ha, tập trung tại các xã Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ…
Còn ở huyện Tân Trụ, hiện nay được đánh giá là địa phương tiêu biểu thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Riêng năm 2019, huyện mở 11 lớp dạy nghề với trên 280 học viên tham gia.
Ông Đỗ Thanh Bình, ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình (huyện Tân Trụ), cho biết: “Gia đình có 0,4ha đất. Trước đây, tôi trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ban đầu, tôi trồng bưởi theo kinh nghiệm”.
Sau khi tham gia lớp Kỹ thuật trồng bưởi da xanh do huyện tổ chức, ông Bình áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, nhận biết được sâu, bệnh và cách phòng trị cho cây. Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Bình có trên 10ha bưởi da xanh đang mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân”.
Phối hợp doanh nghiệp tạo việc làm
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Phúc, cho biết: “Trước khi mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề.
Nhờ vậy, đến nay, lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt trên 64%, hộ nghèo giảm còn 2,18%. Hơn hết, lao động nông thôn được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, đồng thời tạo việc làm cho lao động nông nhàn đối với những nghề phi nông nghiệp.
Bên cạnh huyện Tân Trụ và Cần Đước, trong 10 năm trở lại đây, khi triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Long An đã cho thấy Đề án bước đầu đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; giải quyết việc làm tại chỗ hoặc giới thiệu vào doanh nghiệp làm việc. Nhiều hộ sau khi học nghề đã tăng thu nhập, thoát nghèo.
Long An đang phối hợp các doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề |
Nhiều mô hình đào tạo nghề ở Long An cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, như: nghề phi nông nghiệp (hàn, cắt gọt kim loại, may công nghiệp, đan giỏ nhự, làm hoa vải…), nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng thanh long, trồng bắp, lúa năng suất cao…), góp phần tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn sau học nghề.
Qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông nghiệp được trang bị những kiến thức cần thiết ứng dụng vào sản xuất, góp phần năng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất.
Mặt khác, lao động học nghề phi nông nghiệp được doanh nghiệp trong tỉnh Long An tuyển dụng vào làm việc, giao hàng gia công tại hộ gia đình hay tự tạo việc làm, đã nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thanh Loan