Hoàn thành đào tạo và thi đơn hàng từ tháng 7/2020, theo đúng lộ trình thì chị Vũ Thị Huyền (Nghệ An) sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản theo đơn hàng đóng gói thực phẩm vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Thế nhưng đúng thời điểm đó, sự xuất hiện của dịch COVID-19 khiến Nhật Bản đóng cửa biên giới. Từ đó đến nay, do sự ảnh hưởng liên tục của các làn sóng dịch mà việc xuất cảnh sang Nhật Bản của chị Huyền chưa thể thực hiện được.
55.000 lao động... chờ bay
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tình hình đã "sáng" hơn. Đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) - thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm 2021 đã mở cửa đón lao động từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia đến làm việc. Và Chính phủ Nhật cũng đã có thông báo sẽ mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại vào đầu tháng 3.
Đây không chỉ là niềm vui với chị Huyền mà còn đối với hàng chục nghìn lao động khác tại Việt Nam. Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Lod, cho biết việc các thị trường nước ngoài mở cửa tiếp nhận người lao động sẽ giúp hơn 1.000 lao động của doanh nghiệp bị kẹt từ năm ngoái đến nay có cơ hội được đến làm việc ở các thị trường mà họ đã đăng ký.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản hiện nay đang có 55.000 lao động đang chờ bay. Trong đó có 7.600 lao động đã hết hạn visa, 28.000 người đã có tư cách lưu trú ở Nhật Bản đang chờ xin visa, 18.000 lao động đã trúng tuyển ở phía Việt Nam và đang học tập, đào tạo đợi thi trúng tuyển các đơn hàng. Nếu các nước thực hiện mở cửa để tiếp nhận lao động sẽ giúp giảm áp lực cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Dù khó khăn do tình hình chung, song theo các chuyên gia, đây lại là "giai đoạn vàng" để tạo nguồn nhân lực, giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường nước ngoài khơi thông trở lại. |
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là Chính phủ Nhật Bản hiện có thông báo sẽ mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại vào đầu tháng 3 nhưng đối tượng ưu tiên xét nhập cảnh trong giai đoạn này là nhà nghiên cứu, kỹ sư và người lao động mang lại "lợi ích cho cộng đồng". Nước này cũng mới thông báo giảm thời gian cách ly từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày hoặc dưới 5 ngày và yêu cầu lao động nước ngoài phải tiêm 3 mũi vắc xin mới được nhập cảnh.
Còn đối với Đài Loan, thị trường này yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có bảng xác nhận về kiểm tra kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết thực hiện theo phương án của Đài Loan.
Trường hợp tại cơ sở đào tạo của doanh nghiệp, nếu phát hiện trường hợp 2 lao động trở lên dương tính với COVID-19, phía Đài Loan sẽ phỏng vấn người lao động xem doanh nghiệp có thực hiện đúng theo bảng kiểm tra hay không. Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng sẽ bị tạm dừng cấp phép. Còn với người lao động, trước khi lên máy bay phải được xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 (có hiệu lực trong 48 tiếng).
Chủ động trước các quy định nghiêm ngặt
Trước những quy định trên, các mối quan tâm của người lao động hiện nay là Nhật Bản và Đài Loan đã thống nhất chỉ áp dụng chính sách trả chi phí cách ly hai đầu đối với các lao động thuộc diện visa là kỹ sư, du học sinh, người đi công tác... Còn với thực tập sinh, các bên chưa có quyết định cụ thể và khoản này sẽ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.
Đặc biệt đối với Đài Loan, thị trường này vẫn siết chặt các điều kiện nhập cảnh. Chẳng hạn, Đài Loan yêu cầu thực tập sinh khi sang làm việc phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên và những loại vắc xin được chấp nhận phải là của Mỹ hoặc châu Âu. Hay như Nhật Bản cũng ghi rõ những ai đã tiêm 1 trong 3 loại vắc xin đã được Chính phủ nước này phê duyệt gồm: Pfizer, Modena, Astrazeneca thì chỉ cần cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày sau khi nhập cảnh.
Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long, cho biết có những lao động đăng ký tiêm vắc xin ở các doanh nghiệp đào tạo có thể đáp ứng được điều này, nhưng có những lao động hoàn thành quá trình đào tạo và phải chờ đợi bay trong thời gian dài ở địa phương, nhất là những địa phương thực hiện phong tỏa thì khó đáp ứng được yêu cầu về loại vắc xin vì còn có cả những loại vắc xin từ các nước khác…
Cùng với đó, Đài Loan còn quy định trước khi lên máy bay và sau khi nhập cảnh, lao động phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 tiếng và phải được cách ly riêng 1 người/phòng. Điều này gây áp lực cho doanh nghiệp cả hai bên là phải có cơ sở vật chất đầy đủ, đồng thời gia tăng chi phí. Ngoài ra, nếu sang các thị trường này, lao động chẳng may bị F0 trong quá trình di chuyển thì nhà máy rất dễ bị đóng cửa.
“Thời gian qua, do không xuất cảnh được nên người lao động gặp khó khăn, đồng thời cũng khiến nhiều đơn vị hoạt động đào tạo lao động xuất khẩu rơi vào bế tắc, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải sa thải bớt nhân viên để giảm gánh nặng chi phí. Dẫu vẫn biết các quy định trên là để hạn chế lây lan dịch bệnh nhưng sẽ thêm gánh nặng đối với doanh nghiệp trong lúc này”, ông Hưng cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản và Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về phục hồi kinh tế. Thế nhưng, do các thị trường đang rục rịch mở cửa trở lại nên các điều kiện nhập cảnh đưa ra khá chặt chẽ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho biết, để bảo đảm các quy trình xuất khẩu lao động sau thời gian dài bị hoãn, hủy, Hiệp hội đã phối hợp với các nước nhằm có thông báo cụ thể về thời gian mở cửa nhập cảnh đi kèm theo các biện pháp phòng dịch; đồng thời đề nghị Chính phủ các nước hỗ trợ chi phí cách ly sau nhập cảnh cho người lao động.
Về phía doanh nghiệp, cần sắp xếp thời gian hợp lý từ khi người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính tới thời điểm ra sân bay, để thời gian cách ly là ngắn nhất và bảo đảm giấy xét nghiệm còn hiệu lực khi nhập cảnh.
“Việc các thị trường nước ngoài cho phép người lao động nhập cảnh mở ra cơ hội hồi phục nhanh chóng cho các doanh nghiệp cũng như đáp ứng mong muốn của người lao động. Song, trước điều kiện nhập cảnh nghiêm ngặt, doanh nghiệp phải tổ chức quản lý và đào tạo nghiêm ngặt. Còn với người lao động, phải tăng tính kỷ luật, không được tùy tiện làm trái các hướng dẫn”, ông Diệp khuyến cáo.
Tùng Lâm