Nhờ chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho thành viên, người lao động, Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch, xã Mỹ Trạch đã và đang góp phần thúc đẩy nghề truyền thống tại địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Có tay nghề, tăng thu nhập
Chị Cao Thị Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ, trong khi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, để làm ra những sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ, vừa có giá trị sử dụng đòi hỏi người lao động ngoài sự khéo léo, cần mẫn, thì cần ứng dụng kỹ thuật vào quá trình sản xuất.
Nhờ có tay nghề cao, lao động nông thôn ở Bố Trạch không lo thiếu việc làm (Ảnh TL). |
Hiểu được điều đó và nhận thấy nghề thủ công mỹ nghệ đang tạo việc làm, thu nhập cho không ít lao động địa phương, nhất là lao động nữ và người khuyết tật, Tổ hợp tác đã chú trọng đào tạo để nâng cao tay nghề cho thành viên, người dân, từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.
Với nguồn nguyên liệu từ mây tre, mỗi tháng, Tổ hợp tác sản xuất được 400-500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ với đa dạng chủng loại, như: rổ, rá, mẹt, bình hoa, lẵng hoa, giỏ đựng quả hay đồ vặt, khay, dĩa, mâm, lồng bàn...
Những sản phẩm này đã được trưng bày và bán tại các triển lãm, hội chợ trên địa bàn, được khách hàng đánh giá cao từ mẫu mã đẹp đến chất lượng tốt. Giá bán dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên Tổ hợp tác có nguồn thu nhập ổn định.
Theo chị Mến, thông qua các lớp dạy nghề, các học viên, người dân theo học nếu có nhu cầu đều được Tổ hợp tác bảo đảm việc làm sau khi học. Việc thường xuyên được thực hành tại Tổ hợp tác cũng là điều kiện để người lao động rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ thuật.
Có nhiều năm gắn bó với nghề đan mây xiên, bà Nguyễn Thị Liên cho hay, việc mở lớp dạy nghề đan ngay trên vùng quê từ bao năm nay vẫn sống bằng nghề này tưởng như là thừa, nhưng thực tế cho thấy những người hàng ngày làm nghề vẫn khao khát được học nghề.
“Vào Tổ hợp tác, chúng tôi không chỉ có điều kiện để nâng cao tay nghề, ứng dụng kỹ thuật mới, mà còn là cơ hội liên kết, tận dụng những thế mạnh của mình để giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Kết hợp yếu tố truyền thống với xu hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh”, bà Liên khẳng định.
Ở nhóm nghề phi nông nghiệp, bên cạnh các nghề truyền thống như làm nón, đan mây xiên, huyện Bố Trạch còn mở các lớp dạy nghề mới như may công nghiệp, chế biến món ăn, hướng dẫn viên du lịch, xây dựng... đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Đa dạng nghề đào tạo
Không chỉ chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhóm nghề nông nghiệp cũng được huyện Bố Trạch đặc biệt quan tâm. Theo đó, huyện đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, dạy nghề tại chỗ theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” ngay tại đồng ruộng, khu sản xuất, giúp người nông dân dễ dàng nắm bắt kiến thức, vận dụng vào thực tế.
Bố Trạch đang quan tâm đào tạo cả hai nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp (Ảnh TL). |
Điển hình, nhiều năm trước, nhận thấy vùng đất của gia đình có lợi thế trong việc phát triển kinh tế trang trại, ông Nguyễn Chí Phúc, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng đề đào ao thả cá và xây chuồng chăn nuôi lợn.
Tuy nhiên, vì thiếu vốn và kỹ thuật nên việc chăn nuôi của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau thời gian sản xuất cầm chừng, ông cùng một số hộ dân trong thôn tìm đến Trung tâm dạy nghề huyện Bố Trạch để tham gia học tập về kỹ thuật chăn nuôi.
Sau khi đã nắm bắt được kỹ thuật ông đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi 100 con lợn, 300 con ngan và trên 2 vạn con cá. Các loại vật nuôi của gia đình ông đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ chết do dịch bệnh giảm đáng kể, sau khi thu hoạch trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Đặc biệt, để hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, năm 2021, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Bố Trạch đã triển khai mô hình thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, với quy mô 400m2.
Qua đánh giá, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của các loại cây (rau cải, rau xà lách và đậu rồng) được rút ngắn từ 15% - 20% và năng suất cao hơn từ 30% - 40% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Hiện, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Bố Trạch đang sử dụng mô hình thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu được tham quan, học tập để triển khai nhân rộng mô hình.
Tiếp đà thành công, năm 2021, huyện Bố Trạch đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động, cao hơn so với con số 3.175 lao động của năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5%.
Để hoàn thành mục tiêu này, huyện sẽ đồng bộ các chính sách tạo việc làm mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phục vụ ngành du lịch. Đặc biệt, chú trọng cải thiện chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, khôi phục các làng nghề...
Nhật Minh