Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục GDNN) cho biết: Thông tư này nhằm mục đích giúp học sinh, sinh viên hoàn thiện thái độ, kỹ năng thiết yếu đảm bảo hoàn thành việc học tập, rèn luyện trong nhà trường và ứng dụng trong cuộc sống nhằm mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, sinh viên GDNN. Đồng thời, Thông tư nhằm giúp học sinh, sinh viên có khả năng tự học theo chiều sâu, nâng tầm bản thân cả về thái độ và kỹ năng để trở thành người có giá trị và thành công bền vững trong tương lai.
Học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được đào tạo thêm các kỹ năng mềm. |
Thông tư này yêu cầu lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên phải đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, gắn liền với giáo dục thực tế, hoạt động ngoại khóa phù hợp với quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo các cấp trình độ.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên bổ sung thêm, từ quá trình thực hiện đào tạo học sinh, sinh viên ở các cơ sở GNNN cho thấy, có bạn sau khi ra trường đạt được trình độ cao, kỹ năng nghề tốt, kỹ năng mềm cũng rất tốt. Tuy nhiên, ở một số tỉnh thành vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, nhiều học sinh, sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm.
"Những năm vừa qua, thông qua việc đào tạo tập huấn cho thầy cô giáo ở cơ sở GDNN, chúng tôi nhận thấy cần có quy định lồng ghép kiến thức để giúp học sinh, sinh viên không chỉ ở thành phố mà vùng sâu, vùng xa cũng có kỹ năng cơ bản nhất khi bước ra làm việc ở môi trường bên ngoài", bà Huyền chia sẻ.
Đóng góp cho dự thảo Thông tư, ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco, cho hay đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết. Ở nước ngoài còn đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo từ tiểu học. Thành công trong công việc thì kỹ năng mềm chiếm tới 75%. Trong các chương trình đào tạo nghề của ngành ô tô ở Úc, Pháp cũng đều yêu cầu nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Từ kinh nghiệm của Trường cao đẳng Thaco, ông Tiềm cho biết nhà trường đang đào tạo các kỹ năng rất cơ bản cho người học như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, quản lý thời gian và kế hoạch, tham gia phỏng vấn và xin việc...
Cần cách thức đào tạo hiệu quả
Khẳng định việc yêu cầu lồng ghép đào tạo thêm kỹ năng trong các cơ sở GNNN là rất cần thiết, song ông Tiềm cũng cho rằng dự thảo Thông tư yêu cầu: Tổng thời lượng học kiến thức, kỹ năng của người học bao gồm chính khoá và ngoại khóa chiếm tối thiểu 10% tổng thời lượng của chương trình đào tạo toàn khóa của mỗi trình độ - là khá nhiều, nên cơ quan soạn thảo cần xem lại để các trường chủ động quyết định điều chỉnh mức thời gian phù hợp.
Mặt khác, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Thaco kiến nghị, Tổng cục GDNN cũng cần bổ sung, hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản để các trường thực hiện. Giảng viên dạy kỹ năng cũng không nên quá nguyên tắc về trình độ mà quan trọng là kinh nghiệm, chuyên môn của họ...
TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng việc đưa quy định lồng ghép kỹ năng vào chương trình dạy nghề thành quy định cứng là rất cần thiết. Vì trước đến nay, chúng ta cứ hô hào nhưng các trường chưa triển khai đồng bộ.
Về nội dung lồng ghép, ông Học chia sẻ cần chú ý quy định các kỹ năng như thế nào là đủ, thừa và thiếu. Cần hệ thống quy chiếu để tránh cảm giác thiếu, thừa, để rồi nội dung lồng ghép lẫn sang kiến thức cơ bản hoặc nhầm sang kỹ năng nghề nghiệp.
Trên cơ sở đó, chuyên gia này cho rằng cần nghiên cứu cấu trúc bổ sung kỹ năng cho người lao động tiếp cận 3 nhóm là: kỹ năng nhận thức và an toàn lao động, thiết lập và duy trì mối quan hệ, phát triển cá nhân. Trong đó, cần xây dựng một loạt kỹ năng cụ thể của các nhóm chính này. Về cách thức đào tạo có thể lồng ghép kiến thức, kỹ năng bổ trợ vào chương trình đào tạo thông qua các bài giảng độc lập của chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa...
Bà Nguyễn Thị Nga, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng khi đưa ra danh mục kỹ năng, chắc chắn phải xuất phát từ nghiên cứu có tính khoa học. Thế giới cũng tổng kết kỹ năng cơ bản mà các doanh nghiệp đang cần là thế nào. Tới đây, WB sẽ tiến hành điều tra mẫu nhỏ hình thành hồ sơ mô tả nghề, trong đó có nghề cụ thể và kỹ năng đi kèm. "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ công cụ này với Tổng cục GDNN", bà Nga nói.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, đơn vị sẽ xây dựng tài liệu chung về các kỹ năng nhưng để các trường tham khảo, vì chủ thể thực hiện vẫn là cơ sở GDNN. Tài liệu chung đó phù hợp với trường cao đẳng nhưng chưa hẳn phù hợp với trường trung cấp. Đặc biệt, bên cạnh Thông tư này, trong thời gian tới, Tổng cục cũng xây dựng đề án liên quan trực tiếp tới kỹ năng mềm, theo đó rất cần sự đóng góp ý kiến của các trường, các chuyên gia.
Thy Lê