Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.
Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Trong 6 tháng có 565.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Cục trưởng Cục Việc làm dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường; hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Theo tính toán sơ bộ, đến tháng 6/2020, cả nước đã có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc; lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900.000 người...
Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước). Nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù đến tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP.HCM giảm 28%, Hà Nội giảm 23%...).
"Đồng thời, một loạt thị trường lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2020 mới có 33,5% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bằng 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 5, các doanh nghiệp chỉ cung ứng được 126 lao động", báo cáo của Cục Việc làm cho biết.
Về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Cục Việc làm cho hay, những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.
Vùng Đông Nam Bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200.000 người, chiếm 37%); tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 100.000 người/vùng, chiếm 18%)...
P.L