Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), chất vấn: Hiện nay, chúng ta gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Các trường ở một số nước đã mở ở đây với học phí khá cao. Tôi được biết có học phí mỗi năm phải trả 400 - 500 triệu đồng. Vậy, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp làm sao để ủng hộ các nhà đầu tư, DN tham gia vào lĩnh vực này?
Thu hút doanh nghiệp
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ là kinh tế mà văn hóa, đạo đức. Trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn. Đây cũng là một xu hướng.
Bộ trưởng cho biết theo các nguồn thống kê không chính thức, hàng năm số học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng rất nhiều. Con số chi phí cho việc này khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới dạng các kinh phí khác nhau.
“Đấy là ước đoán, nhưng cũng là nguồn rất lớn. Làm sao để thu hút được các học sinh, các gia đình có điều kiện muốn con em mình tốt hơn, không chỉ ra nước ngoài mới có giáo dục tốt, mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt”, ông Nhạ nêu vấn đề.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, có những đề án, nghị quyết để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, trong đó đặc biệt là thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục. Thời gian vừa qua cũng đã thực hiện nhưng chưa thực sự sát với sự khuyến khích, cho nên các nhà đầu tư cũng đã đầu tư nhưng chưa thực sự mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với yêu cầu đạt chất lượng, ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục cơ bản, tập trung cho những vùng khó khăn, giáo dục phổ cập. Còn chất lượng cao thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào sự đầu tư của các nhà đầu tư và chương trình tiên tiến đã nhập của nước ngoài, chuẩn, kiểm định chất lượng ngay từ đầu để chúng ta tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực đối với đất nước.
Đại biểu Đào Tú Hoa (Tp.Hà Nội) chất vấn, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho nhân dân. Việc này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
Các trường đại học không thể tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, khi đào tạo xong lại không có trách nhiệm |
Quy trách nhiệm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng gốc của vấn đề vẫn là chất lượng. Việc thất nghiệp 200.000, đấy cũng là hiện tượng có thật nhưng để giải quyết một cách căn cơ tình trạng thất nghiệp thì vấn đề là chất lượng. Mà chất lượng ở đây không phải là chất lượng theo kiểm định mà chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường.
Do vậy, cần những giải pháp để phối hợp với thị trường lao động, DN, nâng cao chất lượng và đào tạo theo địa chỉ; Mở rộng và khuyến khích các DN tham gia vào các nội dung khác nhau của quá trình đào tạo, cùng nhau trong chuỗi nâng cao giá trị.
Đặc biệt, ở đây cũng không hẳn chỉ có đợi thông tin cung cấp thị trường lao động mà từng trường đại học một phải chủ động để nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra nghiêm. Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường và bảo đảm chất lượng thì chúng tôi tăng về hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: “Các trường đại học tới đây phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước trách nhiệm với người học. Không thể khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, khi đào tạo xong lại không có trách nhiệm. Chúng tôi khép vào trách nhiệm này rất lớn”.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tăng cường hậu kiểm và công khai, minh bạch, dùng thông tin điều chế lại việc các trường tuyển sinh cũng như quá trình đào tạo chất lượng không được tốt.
Thy Lê