Sự kiện thu hút sự quan tâm cao độ của giới khởi nghiệp, các nhà khoa học và các bạn học sinh, sinh viên
Chuỗi sự kiện Café Business Start-Up là chương trình nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối cung cầu khoa học công nghệ.
Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình này với mục đích tạo không gian gặp gỡ, kết nối doanh nhân với nhà khoa học, kết nối trường đại học với doanh nghiệp và các quỹ đầu tư với các nhóm khởi nghiệp gọi vốn - ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Đây cũng là sân chơi để các doanh nhân thành đạt chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng về khởi nghiệp cho các bạn sinh viên. Cũng qua đây, các nhóm khởi nghiệp có dịp trình bày các ý tưởng xuất sắc để thuyết phục các nhà đầu tư.
“Café Business Start-Up” sẽ được tổ chức định kỳ hằng tháng và địa điểm tổ chức có thể là ở trường đại học, địa phương hay doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tính kết nối và tạo sự cộng hưởng sức mạnh giữa doanh nghiệp, địa phương, trường đại học… tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học hữu ích, dự án khởi nghiệp thành công.” – ông Vương Quốc Thắng nói thêm.
Bên cạnh đó, buổi khai trường còn có phần trình bày Dự án khởi nghiệp Bio-Snap từ phụ phẩm nông nghiệp của nhóm khởi nghiệp TS. Phan Thị Tuyết Mai, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN); Chia sẻ của TS. Vũ Hữu Kiên và doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi...
Giới thiệu về dự án này, Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Mai cho biết, 10 năm nghiên cứu của nhóm chủ yếu giải quyết vấn đề tạo ra loại vật liệu polyme tự nhiên có thể phân hủy và nhóm đã thành công khi tạo ra được loại vật liệu ấy, chuyển sang giai đoạn thương mại hóa, gọi vốn triển khai.
Tuy nhiên, giống như những dự án khởi nghiệp khác, sự khác biệt, ưu việt về sản phẩm và giá thành từ kết quả nghiên cứu của nhóm so với những dự án trước đó đã không được nhấn mạnh thích đáng.
Cụ thể, là tính tự hủy và giá thành thấp của sản phẩm Bio-SAP từ tự nhiên của nhóm nghiên cứu đã không được nhận mạnh về sự khác biệt so với sản phẩm SAP không tự tiêu đang phổ biến trên thế giới hiện nay.
Dẫu thế, những hi vọng khởi nghiệp từ chuỗi Café Business Start-Up vẫn được duy trì, qua chiêm nghiệm của doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi – sinh năm 1982, cựu sinh viên chuyên ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài việc đúc rút kinh nghiệm để khởi nghiệp và trở thành người đỡ đầu, hoặc trực tiếp tham gia cỡ chục dự án công nghệ thông tin, dữ liệu khoa học…. – ông Khôi, trong tư cách Chủ tịch Công ty Đầu tư Bảo Ninh, đánh giá Chuỗi sự kiện Café Business Start-Up là một đột phá về vấn đề khởi nghiệp cho sinh viên. Đặc biệt là cách tiếp cận để thương mại hóa các nghiên cứu trong trường đại học.
Còn theo Tiến sĩ Vũ Hữu Kiên, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp thành công là một ý tưởng tốt, cùng với đó là người làm, vốn và thị trường. Tuy nhiên, do đặc trưng ấy, người tham gia khởi nghiệp cần nhất là bình tĩnh, kiên trì và tự tin…
Cũng trong Chuỗi sự kiện Café Business Start-Up, đã diễn ra lễ trao hợp đồng Tập đoàn LG đặt hàng Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đã tiếp nhận hợp đồng này để triển khai thực hiện.
Linh Đan