Tuy nhiên, thị trường này có thể bứt phá như thời hoàng kim hay không, còn phụ thuộc vào tốc độ tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý .
Nhiều hạn chế được chỉ rõ
Theo nhận định của các chuyên gia, những điểm hạn chế của chính sách, pháp luật liên quan tới bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã và đang gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.
Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có thể bứt phá như thời hoàng kim hay không, còn phụ thuộc vào tốc độ tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý |
Có thể chỉ ra một số hạn chế: Thứ nhất, chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng ngành du lịch chưa được hưởng các ưu đãi như đối với những ngành kinh tế mũi nhọn khác.
Đối với bất động sản du lịch, hiện tại chưa có chính sách ưu đãi đặc thù. Các chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, chính sách tín dụng cho bất động sản nghỉ dưỡng không có ưu đãi đặc thù trong khi đây là phân khúc đòi hỏi mức vốn đầu tư lớn cả trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chu kỳ kinh doanh dài, thời gian thu hồi vốn chậm; đồng thời là phân khúc bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thứ hai, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống như: Thủ tục đầu tư phức tạp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí để hoàn thiện thủ tục đầu tư, vận hành dự án; Pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này.
Chưa có quy định, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất động sản du lịch với tư cách là “ngôi nhà thứ hai” là loại hình đã phát triển khá mạnh. Chính sách sở hữu bất động sản theo hướng mở, thông thoáng đã giúp thị trường bất động sản du lịch tại nhiều nước tăng trưởng mạnh và ổn định. Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở. Vì vậy, cá nhân nước ngoài không phải là người sử dụng đất và không thuộc trường hợp được nhà nước giao đất có thu tiền theo Điều 5, Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 cũng như không được ghi nhận quyền sử dụng đất theo Điều 186 của Luật Đất đai.
Tháo gỡ để bứt phá
Trước tình trạng thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phải đối mặt do thiếu khung pháp lý, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc pháp luật vẫn chưa theo kịp những loại hình bất động sản du lịch đã hình thành rõ ràng trong thực tiễn dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong giao dịch mua bán.
Đơn cử như condotel - sản phẩm lai tạo giữa căn hộ ở và khách sạn cho thuê, sau khoảng thời gian phát triển rầm rộ, một nguồn cung lớn đã đổ bộ ra thị trường và hình thành các giao dịch mua bán giữa chủ dự án và nhà đầu tư. Nhưng hiện hoạt động của thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị tắc nghẽn, “vỡ trận” bởi ngay từ đầu đã có sự thiếu nhất quán trong câu chuyện quyền sở hữu của các sản phẩm là căn hộ du lịch được xây dựng trên đất du lịch, dịch vụ.
“Các sản phẩm bất động sản du lịch được xây dựng trên đất du lịch, dịch vụ hiện nay đang bị xáo trộn và méo mó, dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý. Đây cũng chính là nút thắt trong câu chuyện cấp hay không cấp sổ đỏ cho các sản phẩm bất động sản du lịch như condotel trong thời gian vừa qua”, ông Chiến cho hay.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý chính là chìa khóa tạo ra động lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo GS. Võ, vừa qua rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường đầu tư bất động sản du lịch kiểu mới, nếu muốn thu hút được đầu tư vào phân khúc này, thời gian tới cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích. Có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất.
"Nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế đất đai ở tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho nhà nước, việc này sẽ giúp việc quản lý trở nên đơn giản hơn" - GS. TSKH. Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Nhiều chuyên gia có chung nhận định, cần hình thành cơ chế, chính sách thông thoáng và sớm được áp dụng, để trở thành giải pháp cấp bách giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Duy Thế