Theo một số chuyên gia, quý III là thời điểm vàng để đầu tư BĐS nghỉ dưỡng vì có mức giá quá "hời". (Ảnh: TL). |
Nhưng, đầu tư như thế nào và ở đâu vẫn đang là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường vẫn ảm đạm
Gia đình anh Phạm Đình Long (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau đợt sốt đất đầu năm 2021 đã thu lời 2 tỷ đồng khi đầu tư một lô đất nền ở Đông Anh. Có tiền nhàn rỗi, anh Long bàn với vợ đầu tư một căn hộ nghỉ dưỡng khoáng nóng ở Phú Thọ nhằm “đón đầu” khi dịch bệnh được kiểm soát được. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thu Hồng (vợ anh Long) cho rằng, không nên đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, bởi theo nhận định của chị, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thị trường trở lại bình thường, vốn sẽ ứ đọng.
Cũng như gia đình anh Long, chị Bảo Tâm (sống tại khu Time City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), quyết định đầu tư đất nền Hải Phòng, thay vì đầu tư BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc. Bởi, theo suy nghĩ của chị Tâm, khó khăn sẽ còn kéo dài, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ ảm đạm một thời gian dài.
Mới đây, theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS nghỉ dưỡng cả nước quý II/2021 chào bán gần 10.000 sản phẩm. Tuy nhiên, một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ tương đối tốt (khoảng 30-40%). Tại các dự án còn lại, vẫn có giao dịch nhưng rất thấp. Khách hàng vẫn chỉ đến tham quan, khảo sát chứ không có giao dịch, đặt cọc.
Theo ghi nhận từ Savills, dù thị trường khách sạn nghỉ dưỡng Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4/2021, tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy công suất phòng của quý II/2021 xuống còn 27%. Giá phòng trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, giảm 9% theo năm. Khách sạn 5 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Tương tự, tại TP.HCM, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các biện pháp giãn cách đã được thành phố áp dụng đã khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc.
Đánh giá về khó khăn này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trải qua giai đoạn khó khăn kể từ 2019. Sáu tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn mở bán giới thiệu sản phẩm... Tuy lượng giao dịch chưa cao nhưng trong bối cảnh hiện tại được đánh giá là khá tốt.
Mức giá quá hời?
Nhận định về thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm 2021, ông Đính đánh giá, kinh tế du lịch ở Việt Nam chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng sẽ vẫn thu hút, lực đầu tư tốt. Những dự án được đầu tư bởi những thương hiệu lớn, ở những điểm du lịch tốt như: Quảng Ninh, Vân Đồn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu và Phú Quốc chắc chắn vẫn có giao dịch tốt.
Nhận định về thị trường này, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn BĐS Hải Phát cho rằng, hiện thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang có sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm vừa qua, thị trường này rất khó khăn, nhiều khu nghỉ dưỡng chào bán cắt lỗ 20-25% so với mức giá thị trường.
"Trong 1 năm tới, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn khó khăn. Hơn nữa, thói quen của người Việt Nam rất chắc chắn, họ sẽ thận trọng khi ra quyết định đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng", ông Duy nói.
Dưới góc độ của đơn vị phát triển BĐS tại Hà Nội, ông Ngô Văn, Giám đốc marketing Tập đoàn Danh Khôi nhìn nhận, tác động của dịch Covid-19 đến thị trường là hết sức rõ ràng, việc giải ngân dành cho các nhà đầu tư BĐS nhỏ (số vốn dưới 5 tỷ) diễn ra khá sôi động trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, ông Ngô Văn cho rằng, các quốc gia như Singapore, Thái Lan thường có "đàn cá mập" chuyên săn tìm BĐS lớn. Vì thế, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc hấp dẫn đối với tất cả các khách hàng, nhà đầu tư.
"Chúng ta đang bỏ quên "đàn cá mập" đó, họ đang chờ đợi giãn cách được tháo gỡ. Khi đó, tôi tin rằng, Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất Đông Nam Á đón đợi "đàn cá mập" này. Theo quỹ đạo chung, từ quý III trở đi, giải ngân sẽ vào BĐS, vì đây là thời điểm vàng nhà đầu tư đổ tiền vào BĐS. Thị trường quý III chưa là điểm sáng, nhưng cuối quý III sẽ đón nhận "làn sóng" lớn vào BĐS, nhất là BĐS nghỉ dưỡng” ông Văn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin batdongsan.com.vn cho rằng, hiện khách hàng quan tâm đến nhu cầu để ở hơn là đi du lịch. Thời điểm này, nếu nước nào tiêm vaccine và cấp hộ chiếu vaccine sẽ tận dụng được cơ hội thu hút được khách du lịch.
“Đối với các nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội vì giá thấp, nếu đầu tư dưới góc nhìn "cá mập" thì mức giá hiện nay quá hời”, ông Quốc Anh khẳng định.
Hải Sơn