UBND tỉnh Kiên Giang vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho tỉnh tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, cho tới khi Luật Đặc khu được Quốc hội thông qua.
Lùi một bước, tiến ba bước
Trước đó, tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Dựa trên chủ trương này, UBND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, hiện Quốc hội vẫn chưa đưa trở lại Dự án Luật Đặc khu. Và đến nay, chủ trương này đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.
Theo ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản đặc khu (DK Land), nếu xét về khía cạnh quản lý địa phương thì đây là điều cần làm và mang tính thiết thực phục vụ cho công tác quản lý, định hướng phát triển và đề ra các chính sách cụ thể mang tính ngắn hạn.
Có thể nói, đề nghị này khá dũng cảm và mang tính thiết thực của chính quyền địa phương, nhìn qua tưởng như một bước lùi về chính sách nhưng thực chất là một bước tiến.
Trong khi địa phương nào cũng mong muốn lên đặc khu thì đề nghị này của Kiên Giang sẽ đặt ra một dấu hỏi lớn “vì sao lại muốn dừng?”, liệu có phải địa phương không muốn làm?
“Đây là động thái lùi một bước để tiến ba bước của địa phương, dừng để làm tốt hơn, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ hơn. Sau này khi Phú Quốc lên đặc khu sẽ không bị bỡ ngỡ, ít bị xáo trộn”, ông Giới nói.
Nếu xây dựng đặc khu trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện, dân trí chưa cao, an ninh xã hội chưa tốt thì vô hình trung sẽ phản lại những điều tốt đẹp mà đặc khu mang lại. Do đó, để phát triển tốt thì phải xây dựng được một nền tảng bền vững.
Nếu làm dàn trải, không có định hướng rõ ràng thì sẽ mất rất nhiều thời gian, thay vào đó tỉnh sẽ làm từng bước, xây dựng phát triển các khu kinh tế trước, làm tốt chính sách, thí nghiệm tốt các cơ chế để từng bước tiến lên đặc khu, như vậy sẽ bền vững hơn.
Việc tạm dừng quy hoạch phát triển đặc khu Phú Quốc là một bước lùi “khôn ngoan” để chuẩn bị cho tương lai |
Tác động đến nhà đầu tư lớn
Liên quan đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị tác động ra sao nếu đề nghị của tỉnh Kiên Giang được chấp thuận, ông Đinh Đức Giới cho rằng đề nghị này trước mắt có thể làm cho thị trường hoang mang, những nhà đầu tư không sâu sát sẽ dễ chùn bước nhưng về dài hạn sẽ là một chính sách tốt, kịp thời, tháo gỡ những tồn tại mà Phú Quốc đang vướng.
Đối với đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc lên đặc khu, theo ông Giới, sẽ ít tác động đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lướt sóng. Bởi sau giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản vào giữa năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường bất động sản Phú Quốc có dấu hiệu chững lại và “nguội lạnh” cho đến nay. Thị trường sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn cho đến qua đầu năm 2020.
So với năm 2017, đầu năm 2018, hiện có khoảng 70-80% các sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa, các văn phòng còn lại hoạt động cầm chừng.
Từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành hàng loạt quyết định để tháo gỡ các vướng mắc, nhưng những quyết định này vẫn chưa tạo ra cú huých lớn cho thị trường, nên các nhà đầu tư đang chờ đợi chính sách lớn hơn và mang tính sâu rộng hơn.
“Do đó, thời điểm hiện tại, việc Phú Quốc có lên đặc khu hay không, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không quan tâm nữa”, ông Giới chia sẻ.
Thời điểm này, đề nghị của Kiên Giang sẽ tác động nhiều hơn đến các nhà đầu tư lớn. Bởi lẽ, các nhà đầu tư này thường lên kế hoạch đầu tư và mong muốn sẽ phát triển theo hướng đặc khu, để được hưởng những chính sách ưu đãi tốt hơn.
Trước việc dư luận lo ngại đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc lên đặc khu sẽ thiết lập mặt bằng giá bất động động sản ở khu vực này, ông Giới phân tích, sẽ không có chuyện mặt bằng giá Phú Quốc sẽ được thiết lập lại. Bởi trước khi có thông tin đặc khu, giá bất động sản tại Phú Quốc đã tăng rất nhanh, nhưng khi có lệnh điều chỉnh của chính quyền thì giảm rất ít.
Đề nghị này ban đầu sẽ tác động tới thị trường giao dịch, làm cho thị trường nguội hơn nhưng về dài hạn, khi Phú Quốc được đầu tư bài bản, thị trường sẽ tốt hơn, ổn định hơn và giá đất sẽ tốt lên.
Ông Giới cho rằng về lâu dài để phát triển bền vững, vấn đề quan trọng, cốt lõi là Phú Quốc phải kêu gọi được những nhà đầu tư có năng lực, nghiêm túc, tạo các điều kiện tốt nhất và ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư này. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém, cơ hội và “đầu cơ dự án”…
Bên phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, Phú Quốc cũng phải phát triển những dịch vụ phụ trợ liên quan như giáo dục, đào tạo du lịch, tài chính, cảng biển, logistics…
“Quá trình kêu gọi nhà đầu tư phải được thẩm định kỹ càng, chọn lọc, hạn chế các nhà đầu tư chộp giật, manh mún”, ông Giới nhấn mạnh.
Phạm Minh