Báo cáo của của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm vừa qua đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% và tiếp tục xếp thứ 2 trong nhóm lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất năm, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với gần 25,58 tỷ USD.
Vốn ngoại chảy mạnh
Báo cáo cũng cho biết, số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9%. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.
Theo chuyên gia của Savills, nhìn chung trong năm qua, thị trường Việt Nam chủ yếu thu hút các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Trong đó, khẩu vị khối ngoại tập trung ở bất động sản công nghiệp nhờ đà phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài hiện diện tại các dự án nhà kho và xưởng hạng A.
Năm 2024, hơn 6,3 tỷ USD vốn ngoại đăng ký vào thị trường bất động sản Việt Nam. |
Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận môi giới và đầu tư, Savills Hà Nội, cho biết quy mô và tổng mức đầu tư của khối ngoại khá đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chú trọng đến dự án phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
"Pháp lý là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ", bà Dung cho hay.
Trước đó, một báo cáo của Avison Young Việt Nam cũng chỉ ra dòng vốn FDI có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm.
Điều này cho thấy sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. "Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần (I&L), nhà ở, văn phòng và bán lẻ", báo cáo của Avison Young Việt Nam nêu.
Đặc biệt, theo Avison Young Việt Nam, khối ngoại có xu hướng tham gia vào giai đoạn đầu của dự án hoặc đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng, để sẵn sàng xây nhà máy, nhà xưởng.
Do đó, những địa phương có thế mạnh về công nghiệp và hạ tầng như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam hay Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở miền Bắc được quan tâm hơn cả.
Phân khúc nhà ở và bất động sản thương mại cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bởi nguồn cung vẫn hạn chế, trong khi nhu cầu tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh của Việt Nam.
Bài toán tìm vốn sạch
Dễ nhận thấy, thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng... đều cao.
Dòng vốn ngoại chảy mạnh rõ ràng là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo chuyên gia, sau thời “may sẵn” (các dự án hấp thụ dòng vốn một cách bị động), đã đến lúc thị trường cần chuyển sang “may đo” (hấp thụ vốn một cách chủ động, chọn lọc) để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thu hút vốn đầu tư FDI vào bất động sản là cần thiết, nhưng cần phải xem xét cơ cấu dòng vốn đổ vào các phân khúc, trong đó cần khuyến khích đưa vào lĩnh vực công nghiệp, sản xuất…
Ngược lại, sau những bài học từ quá khứ, cần có giải pháp chọn lọc, hay hạn chế tập trung quá nhiều vào các sản phẩm cao cấp, nghỉ dưỡng, bởi dễ làm dư thừa nguồn cung ở phân khúc này, không tạo ra lực đẩy cho kinh tế, cho xã hội.
Các chuyên gia cũng cho rằng trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng, cơ quan quản lý cần xem tính khả thi của dự án, kiểm tra uy tín, năng lực tài chính của nhà đầu tư. Với các địa phương, cần tránh chỉ tập trung lo hút vốn mà quên mất các yếu tố về mức độ hiệu quả.
Cảnh báo của chuyên gia là có cơ sở, bởi thực tế đang có không ít dự án có vốn FDI 'đứng bánh' nhiều năm. Đơn cử, sau hàng thập kỷ chậm tiến độ, công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam - chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel có tổng mức đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD tại TP. Vũng Tàu, đã phải nhận quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn (vào cuối tháng 9/2024).
Với số tiền bị cưỡng chế do quá hạn nộp hơn 5.400 tỷ đồng, Winvest Investment Việt Nam cũng đứng đầu danh sách những chủ đầu tư dự án bất động sản tại Việt Nam nợ thuế sử dụng đất nhiều nhất từ trước tới nay.
Một dự án khác là Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại TP.HCM do Công ty TNHH MTV Đô thị đại học quốc tế Berjaya thuộc Tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư tại thời điểm 2008 đã lên tới 3,5 tỷ USD, cũng bế tắc gần 15 năm nay.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án và từ năm 2022, UBND TP.HCM cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Một góc nhìn khác như trên để thấy rằng trong mỗi sự việc hiện tượng đều có hai mặt cơ hội và thách thức đan xen. Việc dòng vốn FDI tăng cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam với nhiều tiềm năng đang duy trì được sức hút lớn từ “đại bàng” quốc tế. Nhưng ngược lại, dòng vốn chảy mạnh cũng đặt ra bài toán “nắn dòng” sao cho hiệu quả đầu tư phát huy tốt nhất, tránh hoang phí.
Hưng Nguyên