Lũy kế đến ngày 15/7/2019, trên địa bàn Phú Quốc có 299 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.585 ha.
Trong đó, có 36 dự án đi vào hoạt động với diện tích 1.182 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 14.758 tỷ đồng; 35 dự án đang triển xây dựng (6 dự án đã hoạt động một phần) với diện tích 3.203 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 95.731 tỷ đồng; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 31 dự án FDI với tổng vốn 293 triệu USD.
Sân bay Phú Quốc (Ảnh Internet) |
Sự đầu tư đồng bộ đã phát huy hiệu quả. Năm 2018, khách du lịch đến Phú Quốc tăng gấp đôi so với trước khi sân bay mới khai trương (gần 700.000 lượt). Dự báo, năm 2019, Phú Quốc sẽ đón vài triệu lượt du khách, trong đó khoảng 30% là khách quốc tế. Sân bay Phú Quốc không chỉ đơn thuần thu hút thêm nhiều du khách đến với đảo ngọc, mà còn là tiền đề quan trọng để Phú Quốc “cất cánh” trong tương lai không xa.
Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất trong nước, hiện nay, giới đầu tư ở Phú Quốc quan tâm một số vấn đề hấp dẫn như: quy chế cho phép các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng hạ tầng theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà…
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã có 265 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được thẩm định và phê duyệt với tổng diện tích đã được phê duyệt 7.384,98 ha. Số phòng lưu trú được phê duyệt quy hoạch trong các khu du lịch theo điều chỉnh quy hoạch chung khoảng 80.141 phòng.
Huyền Vũ