Nguồn cung căn hộ và nhà ở gắn liền với đất quý II/2019 và 6 tháng đầu năm 2019 sụt giảm rõ rệt. Tại Hà Nội, nguồn cung giảm tới 25% và Tp.HCM giảm 50% so với cùng kỳ đầu năm 2018. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân trong đó có một phần là do việc chậm triển khai các thủ tục hành chính cho dự án.
Khốn khổ vì “rừng” thủ tục
Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng), mới đây đã gửi một bức thư lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để kêu cứu về tình trạng công ty ông đang vấp phải “rừng” thủ tục hành chính, nhiều năm chưa được giải quyết.
Trong thư ngỏ ông nêu lên 10 sự việc mà ông đang vướng phải, và dưới đây chỉ là 3 trong số 10 sự việc.
Đó là dự án nuôi tôm công nghệ cao của UBND huyện Cát Hải tại xã Phù Long, doanh nghiệp của ông đã bỏ ra 170 tỷ đồng từ năm 2008 để đầu tư, nhưng phải mất 10 năm vật lộn với bao nhiêu thủ tục, đến ngày 03/8/2018 mới được cấp sổ đỏ.
Năm 2004, Hải Phòng cho phép công ty TNHH Sơn Trường thuê đất để xây dựng nhà máy bê tông đúc sẵn tại phường Quán Toan. Đến ngày 2015, doanh nghiệp mới nhận được bìa đỏ. Nhưng chỉ sau đó 8 tháng, dự án đã bị hủy bỏ bởi quy hoạch của thành phố “đã thay đổi”.
Doanh nghiệp này muốn tặng huyện An Dương (Hải Phòng) một cây cầu. Doanh nghiệp đã đề nghị UBND huyện sớm làm thủ tục thiết kế và cấp giấy phép xây dựng, nhưng đã gần 2 năm mà UBND huyện cũng chưa làm xong các thủ tục cần thiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, “cuộc chơi” trên thị trường bất động sản hiện không thực sự sòng phẳng. Tại nhiều nước, khi có đất sạch, nếu chỉ có một nhà đầu tư quan tâm thì không phải đấu thầu, còn nếu phải đấu thầu thì mọi việc cũng rất rõ ràng, doanh nghiệp không phải đi xin ai cả…
“Trong khi đó, không ít nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam hiện nay có cảm giác cái gì cũng phải đi xin, tất tần tật phải xin. Theo tôi, làm sao phải loại bỏ được tình trạng này”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest, cho rằng các doanh nghiệp như GP Invest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác.
Lấy ví dụ về những thay đổi trong chính sách, ông Hiệp chia sẻ, do khái niệm trong Luật Đất đai năm 2014 thay đổi nên việc cấp đất cho chủ đầu tư thay đổi 180 độ và dẫn đến có những dự án làm xong thủ tục rồi lại phải làm lại từ đầu. Chưa bao giờ thủ tục cấp chứng nhận đầu tư lại bị kéo dài tới 3 năm như dự án của doanh nghiệp ông. “Như vậy thì lấy đâu ra hàng hóa”, ông Hiệp đặt vấn đề.
Nhiều dự án chậm triển khai vì thủ tục hành chính |
Cách nào gỡ mối “bòng bong”?
Thị trường dường như đang đứng trước bước ngoặt vì sự thay đổi trong quan điểm của cơ quan phê duyệt dự án bất động sản. Trước hết là Luật Đất đai năm 2014 có sửa đổi và đưa vào những khái niệm không dựa trên quy định của các luật khác. Trong khi đó, chính Luật Đất đai đang chi phối mạnh nhất đến các dự án.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hiệp, Luật Xây dựng chỉ can thiệp vào giai đoạn xây dựng dự án, còn giai đoạn triển khai thì phải do Luật Đầu tư điều chỉnh. Số lượng các dự án bất động sản được phê duyệt từ đầu năm đến nay rất ít, thủ tục hành chính như một mớ bòng bong, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn.
Trước các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay Luật Đất đai sẽ được sửa đổi vào kỳ họp giữa năm 2020 sẽ quy định rất rõ quyền của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng sẽ được trình các cơ quan trong tháng 7/2019. Vấn đề đặt ra hiện nay là có tình trạng các địa phương áp dụng pháp luật chưa thống nhất về đầu tư, chấp thuận dự án, dẫn đến tình trạng chồng chéo. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát để chỉnh sửa.
Luật Đầu tư hiện nay cũng phải sửa vì thủ tục chấp thuận đầu tư dự án đang còn vướng mắc, có địa phương không dám quyết định chủ trương đầu tư với dự án lớn mà lại phải xin chủ trương đầu tư.
Liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng còn vướng mắc, ông Ninh cho biết, do đã thực hiện 11 năm nhưng vẫn chưa sửa đổi bổ sung được. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ban hành quy chuẩn nhà chung cư để khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này như quy định về diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, diện tích tối thiểu theo đầu người trong căn hộ…
Để gỡ vướng thủ tục pháp lý cho căn hộ condotel, officetel, theo ông Ninh, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về loại hình căn hộ này. Ngay như tên gọi, quyền và nghĩa vụ các bên trong phát triển căn hộ dạng này cũng chưa rõ.
“Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để có thể hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này trong thời gian tới”, ông Ninh nhấn mạnh.
Phạm Minh