Theo khảo sát, mức lãi suất trái phiếu phổ biến mà các ngân hàng đưa ra là 7,5% – 8,9%/năm, kỳ hạn thông thường từ 3 năm trở lên, nhiều nhất là 5 năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) lên tới 11-14,5%/năm.
Mới đây, VietABank thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh lãi suất lên tới 9,1%/năm với nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng, kéo dài đến hết 9/2019.
Lãi suất trái phiếu cao ngất ngưởng
SHB áp dụng lãi suất lên tới 8,9%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, DN.
Tương tự, BIDV cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/ năm cho lãi suất thả nổi.
Tuy nhiên, người gửi tiền cũng không dễ "ăn" để được hưởng mức lãi suất cao như vậy, bởi mức lãi suất càng cao có những điều kiện càng khắt khe.
Chẳng hạn, SHB công bố mức lãi suất 8,9%/năm nhưng chỉ áp dụng cho kỳ hạn gửi 36 tháng và kèm điều kiện là số tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên. Một số ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn thì điều kiện ít hơn như ACB áp dụng lãi suất cho trái phiếu là lãi suất cố định trong suốt thời hạn phát hành, cụ thể tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, nhưng tối đa không quá 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7% đối với kỳ hạn 2 năm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi với lãi suất ở mức cao kể từ đầu năm đến nay là vì nhu cầu vốn trung dài hạn lớn. Ngoài ra, kênh đầu tư trái phiếu cũng đang bị cạnh tranh khá mạnh từ các DN BĐS và chứng khoán. Các ngân hàng phải đẩy cao lãi suất để tăng tính cạnh tranh.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán MBS, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 61.037 tỷ đồng trái phiếu DN đã được phát hành, nhiều DN đặc biệt là DN BĐS phát hành với lãi suất lên tới 11-14,5%/năm.
Trong đó, nhóm ngành ngân hàng phát hành 17.600 tỷ đồng. Theo khảo sát, mức lãi suất trái phiếu phổ biến mà các ngân hàng đưa ra là 6,4-7,5%/năm, kỳ hạn thông thường từ 3 năm trở lên, nhiều nhất là 5 năm.
Các DN BĐS, xây dựng, hạ tầng phát hành 16,2 nghìn tỷ đồng, là nhóm ngành có lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm.
Nhóm các DN chứng khoán huy động 15.748 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu 5 tháng đầu năm, lãi suất coupon từ 8 – 11,3%, kỳ hạn phổ biến từ 1 – 3 năm.
Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đua nhau phát hành trái phiếu |
Lãi suất cho vay vẫn ổn định
Không chỉ lãi suất chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu được đẩy lên cao, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cũng được một số ngân hàng duy trì ở mức cao kể từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối cùng của tháng 5/2019, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.
Lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến từ 4,5-5,5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,5-6,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Tuy nhiên, thực tế kỳ hạn 12 tháng trở lên ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, thậm chí một số ngân hàng thông báo lãi suất cao nhất lên tới 8,5-8,7%/ năm kỳ hạn từ 36 tháng.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, có một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm nhưng cũng có ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,2-0,3 điểm phần trăm. Mức lãi suất hiện tại khác biệt khá nhiều giữa các ngân hàng, dao động trong vùng 6,4%-7,8%/năm.
Tuy nhiên, SSI nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lãi suất huy động ổn định ở mức hiện tại vì các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%".
SSI cho rằng việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay nhưng lãi suất cho vay với sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn.
"Kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với năm 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018, trong khi số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các ngân hàng thương mại đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay", SSI cho hay.
Huyền Anh