Số liệu của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, khu vực hành chính sự nghiệp có khoảng hơn 200.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất khoảng 2.605 triệu m2, diện tích nhà 142 triệu m2.
Đây là nguồn lực rất lớn của Nhà nước, nếu không có biện pháp quản lý sẽ gây thất thoát, lãng phí. Trong đó có bài học tại Tp.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng… đã "mất" cả đất và "mất" cả cán bộ.
Thiếu sự minh bạch
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá nên việc xác định theo các phương pháp hiện hành do địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế, sai sót và làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Rất nhiều tỉnh, thành giao đất không thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá mà áp dụng ngay hình thức chỉ định thầu như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Quảng Nam, Phú Yên.
Một số vụ nổi cộm tại Tp.HCM chuyển mục đích không đúng đối tượng, như dự án 08 Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận; dự án 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh; dự án 2-4- 6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1… làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục pháp lý có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp Đà Nẵng.
Giao đất không đúng đối tượng xảy ra tại các tỉnh như Lào Cai, Quảng Ngãi, Tp Đà Nẵng. Giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất: Tp.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa.
Chuyển mục đích sử dụng "đất ở không hình thành đơn vị ở" không đúng Luật Đất đai 2013 có tỉnh Khánh Hòa (giao 5/12 dự án). Giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hiệu lực có 10/62 dự án được kiểm toán tại Tp.HCM.
Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng).
Mới đây, UBND Tp Hà Nội đã giao đất công cho Tập đoàn Nam Cường và công ty CP Khai Sơn, đổi lại, hai doanh nghiệp này làm hạ tầng cho Hà Nội. Tuy nhiên, những gì mà người dân thấy là bên được hưởng lợi chính là doanh nghiệp và nhóm lợi ích.
Hạ tầng đó chủ yếu phục vụ cho dự án của Nam Cường và Khai Sơn, lợi cho Nhà nước chưa thấy đâu nhưng phần thất thoát, lãng phí nguồn lực, tiền bạc không thông qua đấu giá đã thấy rõ.
Nhiều chuyên gia kiến nghị nên thu hồi lại đất công đã giao sai. Tuy nhiên, có những dự án thu hồi được, có những dự án doanh nghiệp đang đầu tư dở dang, vay vốn ngân hàng thế chấp bằng chính những dự án đất công đó, đã làm khó các cơ quan chức năng.
Nếu không có biện pháp quản lý đất công sẽ gây thất thoát, lãng phí |
Ai trực tiếp chịu trách nhiệm?
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có cảnh báo các hình thức đầu tư trên, khiến tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách, gây quan ngại cho xã hội.
Do vậy, HoREA kiến nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông; chỉnh trang; phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP.
Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất những giải pháp thu hồi đất, minh bạch trong đấu giá. Bộ Tài chính cũng đã đưa ra giải pháp đưa đất công lên sàn giao dịch điện tử.
Thậm chí, tại phiên chất vấn mới đây tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã kiến nghị thanh tra toàn diện đất công và các dự án có "đất vàng".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nhận định có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa để biến đất công thành đất tư. Ông Sinh đặt vấn đề: "Làm thế nào ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Làm sao thu hồi lại được những thất thoát này?".
Tuy nhiên, bất cứ một giải pháp nào đưa ra như quản lý bằng giao dịch điện tử, các thủ tục hành chính siết chặt… cũng không thể minh bạch được tình trạng bán rẻ đất công, chuyển nhượng đất công khô ng qua đấ ugia mà ở đó cần sự thanh liêm, chính trực, minh bạch của chính cán bộ, vì cán bộ mới là cái gốc của sự việc.
Đây là một loại tham nhũng tinh vi, mà nếu không có sự phát hiện kịp thời của một số cơ quan co thẩ mquyề n, chắ cchắ nrằng nguồn lực đất đai của Nhà nước tiếp tục bị mất đi và ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp.
Một vị thanh tra của một thành phố đã phát biểu: "Bên cạnh những sai phạm của các tập thể, cá nhân, cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm".
Ngay tại các kết luận thanh tra, kiểm toán cũng đã chỉ rõ địa phương nào, cơ quan, cá nhân nào buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm thì sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm.
Minh Sơn