Một trong những sự kiện làm “dậy sóng” ngành xây dựng những ngày qua là việc nhà thầu hàng đầu Việt Nam - Coteccons bị đối thủ Ricons yêu cầu làm thủ tục phá sản. Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, không ít người liên tưởng đến cuộc đua giành thầu tại dự án sân bay Long Thành .
Tung "chiêu hiểm"?
Nghi ngờ của giới quan sát là có cơ sở khi Coteccons và Ricons đang ở 2 bờ chiến tuyến đua tranh gói thầu 5.10 có giá trị lên tới 35.000 tỷ đồng thuộc dự án siêu cảng hàng không Long Thành.
Một chuyên gia kinh tế độc lập chia sẻ với VnBusiness rằng, mục đích của Ricons khi đệ đơn yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản chắc chắn không nhằm đạt được mục tiêu khiến “đại gia” hàng đầu ngành xây dựng thực sự phá sản, vì... “có muốn cũng không thể”.
Tuy nhiên, hành động của Ricons phần nào đó có thể gây ra những xáo trộn, ít nhất là ảnh hưởng về mặt uy tín của Coteccons trong thời điểm nhạy cảm. Minh chứng là ngay sau khi thông tin trên nổ ra, cổ phiếu CTD (mã chứng khoán trên HoSE của Coteccons) nhanh chóng bị nhà đầu tư bán ra mạnh.
Gói thầu 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành đang thu hút 3 liên danh hùng mạnh cạnh tranh khốc liệt. |
Bản thân Coteccons, trong thông cáo báo chí phát đi ngay sau khi vụ việc xảy ra, cũng khẳng định thời gian qua, thị trường có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng.
Thực trạng thiếu việc làm, mất cân đối cung cầu, khiến sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực.
“Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này. Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons", thông cáo nêu rõ.
Mọi dự đoán đều chỉ mang tính chủ quan cho đến thời điểm này, tuy nhiên, sự sốt sắng của các nhà thầu đang khẳng định sức hút của dự án xây dựng sân bay Long Thành là lớn đến thế nào.
Ai sẽ giành chiến thắng?
Cần nói thêm, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, chia thành 4 dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu) có tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án, có trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Đến ngày 19/1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng.
Hiện tại, trong 3 liên danh cạnh tranh trực tiếp dự thầu gói 5.10, liên danh Hoa Lư gồm Hoà Bình, Coteccons, An Phong, Central, Unicons, Delta, Thành An và một đối tác ngoại – Power Line Engineering Public Company Limited (PLE)... là nhóm thầu duy nhất có đơn vị đứng đầu là doanh nghiệp nội.
Cùng với Hoa Lư, có 2 liên danh khác cũng đang hướng tới gói thầu này. Một là liên doanh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu. Hai là liên doanh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, hợp sức với nhiều doanh nghiệp khác và hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (Ricons, Newtecons và SOL E&C) tham gia.
Có thể thấy, gói thầu 5.10 đang quy tụ những doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, với mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Khi chưa có kết quả, cơ hội đương nhiên vẫn chia đều cho tất cả, nhưng khi xét về điểm mạnh và điểm yếu, “cửa thắng” của mỗi bên là khác nhau.
Trong một bài viết trước, VnBusiness dẫn phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, về năng lực, liên doanh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors đang có lợi thế về kinh nghiệm. CHEC từng thi công nhiều dự án quy mô lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được phía Trung Quốc cho vay ưu đãi.
Trong khi đó, liên danh VIETUR bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài đứng đầu hùng mạnh, còn có sự hiện diện của loạt "ông lớn" thầu xây dựng trong nước “lắm tiền nhiều của” như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). VDSC đánh giá rất cao Vinaconex đã có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, cầu,...
Cơ hội của VIETUR được đánh giá là “một chín một mười” với Hoa Lư - liên danh rõ ràng đang gây được nhiều chú ý bậc nhất bởi sự hiện diện của loạt "ông lớn" hàng đầu ngành xây dựng hiện tại.
Với sự dẫn đầu của Coteccons, cùng sự “bọc lót” của Hòa Bình, Central, An Phong..., năng lực của liên minh Hoa Lư là không thể bàn cãi. Coteccons xứng đáng là đầu tàu với năng lực tài chính vượt trội, từng thành công với các dự án khủng như Landmark 81, Diamond Crown Hải Phòng và đang thực hiện dự án LEGO tỷ USD. Chưa kể, liên danh này còn tìm kiếm được sự hậu thuẫn về mặt tài chính từ 4 ngân hàng lớn là VietinBank, MB, TPBank và BIDV.
Theo ước tính của Chứng khoán Vietcap (VCSC), tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 sẽ rơi vào khoảng 525 tỷ đồng. Vì vậy, việc giành được gói thầu này sẽ giúp các nhà thầu xoay chuyển cục diện giữa bối cảnh khó khăn bủa vây. Tuy nhiên, hợp đồng thầu chỉ có một và chiến thắng chỉ thuộc về liên danh khẳng định được vị thế và năng lực tốt nhất.
Hưng Nguyên