Để thấy rõ tác động “khủng” của việc thành công giành được một gói thầu sân bay Long Thành, có thể nhìn vào trường hợp của CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco, UPCoM: CNN). Sau khi thông tin trúng thầu gói 5.12, giá cổ phiếu CNN tăng gần 50%.
“Miếng bánh” béo bở
Đến ngày 29/6, cổ phiếu CNN của Coninco tăng kịch trần lên 58.500 đồng/cp và đạt ngưỡng đỉnh lịch sử. Cổ phiếu CNN đã có chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp trong tuần này, tương ứng mức tăng 46%.
Giá cổ phiếu CNN bật tăng chóng mặt chỉ sau ít ngày thông tin phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.12 - tư vấn giám sát, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà ga hành khách, dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1, được công bố.
Theo quyết định phê duyệt, trúng thầu là liên danh bao gồm CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco và nhà thầu ngoại quốc, công ty Japan Airport Consultants, Inc. Gói thầu này có giá trị hơn 630 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 33 tháng.
Các nhà thầu đang chạy đua để tranh các gói thầu trăm tỷ tại dự án sân bay Long Thành. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Vnbusiness , Coninco là một doanh nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, hoạt động đa lĩnh vực, hiện có 9 công ty thành viên trong các mảng kỹ thuật cơ điện, máy xây dựng và công trình công nghiệp, môi trường, quản lý dự án...
Ghi nhận trên website, công ty này còn tham gia vào nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà Quốc hội Hội trường Ba Đình mới, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ...
Đáng chú ý, không chỉ hoạt động đơn lẻ, các nhà thầu đang chủ động bắt tay nhau để tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua giành “miếng bánh” béo bở trong dự án xây dựng sân bay Long Thành. Đình đám nhất có lẽ phải kể đến “liên minh Hoa Lư”, gồm 4 nhà thầu hàng đầu Việt Nam hiện tại là Central, Xây dựng Hoà Bình, Coteccons và An Phong.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình diễn ra hồi đầu tuần, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hiếu cho biết, liên danh được lập ra để nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 thuộc dự án thành phần 3 của dự án xây dựng sân bay Long Thành với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.
Cạnh tranh khốc liệt
Cần nói thêm, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, chia thành 4 dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không - ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng, ACV tự thu xếp vốn.
Trong đó, gói thầu 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án, có trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Đến ngày 19/1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng.
Hiện tại, ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu, dự kiến mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên. Như vậy, nhiều khả năng liên danh Xây dựng Hoà Bình, Coteccons, An Phong và Central là nhóm nhà thầu trong nước duy nhất nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 ở sân bay Long Thành.
Sự sốt sắng của các nhà thầu chính là minh chứng rõ nhất cho thấy sức hấp dẫn của dự án xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng cũng chính sự “béo bở” này khiến sức ép cạnh tranh là vô cùng lớn.
Như tại gói thầu 5.10, bên cạnh "liên minh Hoa Lư", còn có 2 liên danh hùng mạnh khác cũng đang chạy đua để giành hợp đồng. Thứ nhất là liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do công ty China Harbour Engineering Comopany Limited (CHEC) đứng đầu. Thứ hai là liên danh VIETUR do IC ISTAS – thuộc tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, về năng lực, liên doanh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors đang có lợi thế về kinh nghiệm. CHEC từng thi công nhiều dự án quy mô lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt, CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi.
Trong khi đó, liên danh VIETUR bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài đứng đầu hùng mạnh, còn có sự hiện diện của loạt ông lớn thầu xây dựng trong nước “lắm tiền nhiều của” như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). VDSC đánh giá cao Vinaconex đã có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, cầu,...
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng", các nhà thầu xây dựng đang lâm vào thế cùng cực, nhiều công ty rơi vào thảm cảnh, thậm chí “chết lâm sàng”. Vì vậy, các dự án hạ tầng chính là một trong những “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn.
Không chỉ sân bay Long Thành, các dự án hạ tầng trên địa bàn cả nước cũng đang chứng kiến màn “so găng” căng thẳng giữa các nhà thầu xây dựng từ lớn đến nhỏ. Thắng cuộc đua thầu dự án hạ tầng cũng đồng nghĩa các nhà thầu có cơ hội thoát khỏi "cuộc đua" làm dưới giá vốn để vượt qua khó khăn.
Hưng Nguyên