Vào thượng tuần tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 4 phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong (huyện Vạn Ninh), với tổng diện tích gần 29.000ha, bao gồm các khu đô thị, dự án du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển quốc tế, sân bay, casino...
"Nóng" theo quy hoạch
Cụ thể, phân khu thứ nhất là Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn tại Vân Phong (xã Vạn Thạnh), thứ hai là Khu du lịch núi Khải Lương (xã Vạn Thạnh), thứ ba là Trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) và thứ tư là Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (thuộc 6 xã của huyện Vạn Ninh).
Như thường lệ, cứ mỗi khi có thông tin quy hoạch mới, thị trường nhà đất Vân Phong lại "nổi sóng". Dù không có cường độ của “siêu bão” như trong quá khứ, song những diễn biến mới vẫn tạo hấp lực lớn, hút các nhà đầu tư có tiềm lực tới vùng kinh tế trọng điểm này.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Trần Mạnh Tường, môi giới “thổ địa” tại Vạn Ninh, cho hay thị trường đất nền trong vùng đã rục rịch ấm trở lại từ hồi cuối tháng 3/2023, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong.
Đất nền ở khu vực Vạn Giã, Vạn Ninh đang dần ấm hơn nhờ các thông tin quy hoạch. |
Đến đầu tháng 7, thị trường tiếp tục có thêm những động lực mới khi UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức phê duyệt quy hoạch một số phân khu. Chưa thể tạo đột biến về lượng thanh khoản, song số lượng nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM đổ về khiến thị trường ấm lên.
Đà giảm giá đất nền gần như đã không còn, những lô đất mặt đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) đang được chào bán với giá dao động 40-65 triệu đồng/m2, giảm 25-30% so với giai đoạn đỉnh sốt, nhưng vẫn cao gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Hay trên trục đường nối Vạn Giã - Tu Bông, giá đất nền đang được rao bán từ 1 đến vài triệu đồng/m2, tại một số nút giao được rao bán ở mức 6 - 13 triệu đồng/m2. Các đường trục xương cá và đất trong dân có sổ giao dịch từ 6 - 8 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
“Gần một tháng qua, các nhà đầu tư cá nhân có tầm tiền mặt từ 4-10 tỷ đồng xuất hiện với tần số dày hơn tại khu vực vùng ven quy hoạch. Các giao dịch cũng bắt đầu xuất hiện, giúp thị trường không còn ảm đạm như giai đoạn cuối năm 2022”, anh Tường tiết lộ.
Việc thị trường ấm trở lại đang mở ra hy vọng cho những nhà đầu tư đang có nhu cầu thoát hàng tại khu vực Vạn Ninh và lân cận. Như trường hợp của anh Minh (Đà Nẵng), nhà đầu tư đang sở hữu 6 lô đất nền ở Vạn Giã, kỳ vọng có thể bán ra 2 lô để trả nợ ngân hàng.
Cẩn trọng khi “đón sóng”
“Sau gần 6 tháng rao bán 2 lô đất trên trục đường nối Vạn Giã - Tu Bông nhưng không tìm được khách, tôi định giảm thêm 300 triệu đồng nữa để thoát hàng. Tuy nhiên, với diễn biến mới, tôi định sẽ giữ nguyên mức giảm 10% hiện tại, cố chờ thêm 1-2 tháng nữa xem sao”, anh Minh thổ lộ.
Thực tế, đây không phải lần đầu, đất nền Vân Phong "nổi sóng" theo thông tin quy hoạch. Năm 2017, khi thông tin Bắc Vân Phong được quy hoạch trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế ở Việt Nam đã khiến thị trường nhà đất “nhảy múa” trong một thời gian dài. Đến cuối năm 2018, thị trường hạ nhiệt.
Sau khi xuống đáy vào giữa năm 2020, đất Vân Phong lại một lần nữa sốt trở lại vào tháng 4/2022, khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 451 về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Kịch bản cũ đã lặp đi lặp lại nhiều lần, vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư đang có ý định đổ tiền vào khu vực này cần thận trọng.
Tiềm năng là rất rõ ràng khi Vân Phong được quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các “ông lớn” cũng nhận ra điều này.
Minh chứng là mới đây, loạt tên tuổi như Sungroup, Novaland, Công ty cổ phần FPT, Công ty CP Trung Nam, Tổng công ty Becamex IDC, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn... bày tỏ mong muốn rót tiền đầu tư.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng rủi ro. Bài học trong quá khứ là sau cơn sốt, giá đất ở Vân Phong lại giảm mạnh. Hiện, giá đất khu vực chỉ bằng 40-60% so với lúc đỉnh cao (đầu năm 2018 và giữa năm 2022).
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, nhận định thị trường bất động sản Khánh Hòa hiện nay đang khiến cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư lo lắng, hoang mang, chờ đợi những chính sách tháo gỡ về mặt pháp lý. Người có nhiều tài sản tìm cách bán bớt, còn người mua vẫn tiếp tục chờ đợi, e dè vì không biết đây có phải là giai đoạn tốt để xuống tiền hay chưa.
“Năm 2023, thị trường nhà đất tại Khánh Hòa khó sôi động trở lại, vì vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi rót tiền. Các sản phẩm tốt vẫn luôn hiện diện, song đây là thời điểm chỉ dành cho những nhà đầu tư có tiền mặt, tầm nhìn dài hạn”, ông Hoàng khuyến cáo.
Cùng với sự thận trọng của nhà đầu tư, để giảm thiểu tình trạng “sốt đất” trên địa bàn, các địa phương cần chủ động công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, ngăn chặn các hoạt động phân lô bán nền, "thổi giá" đất gây nhiễu loạn thị trường.
Hưng Nguyên