Kể từ cuối tháng 10/2022, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi, cơn “sóng ngầm” lãi suất huy động nhanh chóng nổi lên trên toàn hệ thống nhà băng, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp bất động sản, đồng thời khiến không ít người vay mua nhà... run rẩy.
Vay khó, lãi suất tăng
Cụ thể, theo khảo sát của Vnbusiness, trong tháng 11, hàng loạt ngân hàng đã đẩy lãi suất tiết kiệm online lên gần mức 10%/năm, như MSB là 9,9%/năm, VIB: 9,8%/năm, GPBank: 9,6%/năm, SCB: 9,75%, OceanBank: 9,5%/năm…
Cuộc rượt đuổi lẫn nhau dẫn đến một số ngân hàng huy động lãi suất cao hơn so với mức niêm yết như thời hơn 10 năm trước, khi thị trường bất động sản “vỡ bong bóng”. Dù không công khai trên website chính thức, nhưng một số khách hàng cho biết đang được mời gọi gửi tiền với lãi suất lên tới gần 12%/năm.
Thực tế cho thấy, lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ kéo theo lãi suất vay tăng. Đa số ngân hàng thường áp dụng mức lãi vay cao hơn lãi suất huy động từ 2,7 - 3%/năm với cùng kỳ hạn. Thậm chí, có ngân hàng còn có mức chênh lệch lãi vay và huy động lên tới 3,5 - 4%/năm.
Điều này đang khiến không ít người vay mua nhà trả góp đang như “ngồi trên đống lửa”. Sau thời kỳ 1 - 2 năm đầu được hỗ trợ, nhiều người phải cân đo, đong đếm lại chi tiêu trong gia đình, thậm chí có thể đứng trước lựa chọn bán nhà vì lãi suất thả nổi quá khốc liệt.
Nhiều người vay mua nhà đang "ngồi trên lửa" vì lãi suất liên tục tăng. |
Ở tuổi 29, việc mua được nhà ở Hà Nội sau gần 10 năm làm việc từng là niềm tự hào của anh Trần Thế Kiên (quê Bắc Giang). Tuy nhiên, hiện tại, anh Kiên đang “nín thở” dõi theo diễn biến lãi suất ngân hàng, vì chưa đầy 2 tháng nữa, gói vay của anh sẽ hết ưu đãi, bước sang giai đoạn thả nổi.
“Tôi mua nhà vào cuối năm 2020, vào thời kỳ ưu đãi, mỗi tháng phải trả ngân hàng khoảng 25 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 50% thu nhập của hai vợ chồng. Sắp tới, với lãi suất thả nổi đang ở mức 11,5%/năm, con số phải trả hàng tháng sẽ lên gần 30 triệu đồng, và còn có thể cao hơn”, anh Kiên căn thẳng nói.
Tương tự, với khoản vay 1 tỷ đồng trả trong 5 năm cùng lãi suất cố định 7,6%/năm, hiện mỗi tháng, anh Vũ Văn Tiến (Hà Nội) phải trả 23 triệu đồng cả gốc và lãi cho ngân hàng, chiếm khoảng 60% thu nhập của hai vợ chồng. Dù đang phải căng mình trả nợ, nhưng anh Tiến cho rằng mình “vẫn may vì vay sớm”.
Cùng ngân hàng này, theo anh Tiến, giờ lãi suất đã tăng lên hơn 10%/năm. Lãi suất vay cố định 12 tháng hiện ở mức 9,5%/năm nhưng cũng chỉ áp dụng cho 60% vốn vay, 40% còn lại phải chịu lãi suất thông thường từ 11,6 - 12%/năm. Một số bạn bè của anh Tiến có người đang chịu lãi 12 - 13%/năm.
Có “cơ” trong “nguy”?
Không chỉ chật vật để trả nợ, nhiều người vay mua nhà thậm chí đang nghĩ đến chuyện bán nhà để “cắt nợ” nếu lãi suất thả nổi bị đẩy lên quá cao. Như trường hợp của anh Lê Hoàng Nam (32 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) với khoản vay 1,3 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị căn hộ.
Anh Nam chia sẻ: “Hiện, vật giá leo thang, gánh nặng nuôi con nhỏ cộng thêm mỗi tháng lại phải trả hơn 25 triệu đồng ngân hàng khiến tôi gần như kiệt sức. Tôi đang tính đến việc bán lại nhà để quay về ở thuê, nhưng giờ để bán được giá tốt cũng rất khó”.
Lãi suất tăng, đặc biệt là mức lãi suất khi bước vào giai đoạn thả nổi, rõ ràng đang đẩy nhiều người vay mua nhà vào thế khó. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau giai đoạn được điều chỉnh giảm trong năm 2021 do dịch bệnh, lãi suất được điều chỉnh tăng thời gian qua được đánh giá là tất yếu.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, ông Ngô Văn Dũng, CEO của Kim Long Land, từng nhận định nếu như lãi suất tăng trên 20% như năm 2011 sẽ thực sự gây ra những bất ổn. Còn với mức tăng hiện tại vẫn là “có thể chấp nhận được”.
"So với lãi vốn của bất động sản thì lãi suất nhích vài điểm % không đáng ngại. Vấn đề ở thị trường hiện nay đối với cả nhà đầu tư cá nhân và các doanh nghiệp là tiếp cận nguồn vốn như thế nào, có được giải ngân hay không", ông Dũng nói.
Đáng chú ý, ở góc nhìn tích cực, nhiều chuyên gia nhận định lãi suất tăng có thể khiến nhà đầu tư ở một số phân khúc buộc phải bán ra do “gãy đòn bẩy tài chính”. Tạm bỏ qua những khó khăn, đây có thể là cơ hội của những người mua ở thực.
Những người muốn sở hữu nhà giai đoạn này cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi doanh nghiệp địa ốc chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để giúp khách hàng gánh một phần mức lãi suất gia tăng khi mua nhà.
Những diễn biến thị trường thời gian qua cũng chứng minh nhận định trên. Cụ thể, trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường gặp khó, nhiều chủ đầu tư đã tìm hướng tăng huy động từ người mua nhà với các chính sách ưu đãi, chiết khấu lên tới 30-50% giá trị sản phẩm, xu hướng bán “cắt lỗ” cũng lan rộng.
Có thể nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn, trong bối cảnh lãi suất "nhảy múa", các chuyên gia khuyến cáo những người có nhu cầu vay mua nhà trả góp cần phải tính toán mức lãi suất lâu dài, phù hợp với khả năng tài chính.
Với nhà đầu tư cá nhân, cần ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu, và tính chuyện thanh khoản bớt các khoản đầu tư kém để tái cấu trúc dòng tiền và tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao để tránh rủi ro, “chôn tiền” một chỗ.
Nhật Minh