Hà Nội sau giãn cách xã hội hơn một tháng, hoạt động kinh doanh gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, nhiều cửa hàng trên mặt phố đã từng là nơi buôn bán sầm uất như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, hay các con phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy… vẫn "cửa đóng then cài", treo biển sang nhượng hoặc cho thuê cửa hàng.
"Kẻ khóc, người cười"
Nói với VnBusiness, ông Đoàn Khuê (Hàng Bông) cho biết, ông sống ở khu phố cổ này suốt mấy chục năm qua nhưng chưa từng thấy hiện tượng đóng cửa hàng như hiện nay. Ông mong sao hoạt động mua bán trên các con phố cổ này trở lại sầm uất như xưa.
Chị Nguyễn Thị Lan, một chủ cửa hàng buôn bán quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc nói rằng, sở dĩ chị quyết định đóng cửa hàng là bởi sau thời gian giãn cách, chủ nhà không giảm giá cho thuê trong khi việc kinh doanh gần như "đóng băng" khiến chị gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, trong thời gian giãn cách xã hội chị thấy rằng việc bán hàng online vẫn mang lại doanh số khá cao mà lại không mất chi phí thuê nhà. "Có lẽ tôi sẽ chuyển hẳn sang bán hàng online, tiền thuê cửa hàng tôi sẽ hỗ trợ vào giá sản phẩm và các chương trình khuyến mại cho khách hàng", chị Lan nói.
Trái ngược với cảnh đìu hiu trên, theo khảo sát của phóng viên tại một một số trung tâm thương mại lớn của Hà Nội như: Vincom Bà Triệu, Aeon Mall Hà Đông, The Garden… tỷ lệ lấp đầy tương đối cao khi hầu hết các cửa hàng đều mở cửa trở lại.
Trước đó, khảo sát của Công ty TNHH CBRE cho thấy, TTTM tại một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,5%, giảm 0,5 đpt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở các quận ngoài trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên tỷ lệ trống cao từ 35-45%.
Tỷ lệ lấp đầy sau giãn cách xã hội tại nhiều TTTM vẫn trên 90%. |
Số liệu của JLL Việt Nam cũng cho thấy, phần lớn các TTTM trọng điểm tại Hà Nội vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy của các TTTM ở khu vực trung tâm và khu vực ngoài trung tâm giữ ổn định so với quý trước.
Trước nghịch lý đang diễn ra, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội, JLL Việt Nam lý giải, sở dĩ các TTTM nhanh lấp đầy trở lại do khách hàng thuê tại đây đa phần là các thương hiệu lớn, hoạt động theo chuỗi nên việc kinh doanh sẽ phụ thuộc vào chiến lược lâu dài của các nhãn hàng, khác với khách thuê nhà mặt phố phần lớn là các thương hiệu đơn lẻ nên ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nặng nề hơn.
Ngoài ra, các TTTM trong giai đoạn dịch bệnh phần lớn đều có các chính sách hỗ trợ khách thuê. Đây là điểm mà các chủ nhà mặt phố kém cạnh tranh hơn. Trên thực tế, trong giai đoạn gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh vẫn có nhiều chủ nhà mặt phố không sẵn sàng hỗ trợ khách thuê. Chính điều này đã ảnh hưởng tới lòng trung thành hay mức độ cam kết của khách thuê với mặt bằng kinh doanh.
Một lý do khác được bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội đưa ra, đó là việc nhiều chủ cửa hàng mặt phố quyết định trả nhà, đóng cửa và chuyển sang bán online để tiết giảm chi phí. Sau thời gian giãn cách, những chủ hàng này vẫn lo ngại một đợt dịch nữa bùng phát nên họ tiếp tục đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng.
"Tuy nhiên, về lâu dài thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng truyền thống", bà Minh nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp F&B thường thuê tập trung tại phân khúc nhà phố. Các khách hàng này chú trọng đầu tư ban đầu lớn từ hệ thống bếp, đến cơ sở vật chất, trải nghiệm chỗ ngồi của khách… nên đợt đóng cửa trong vài tháng qua khiến các cửa hàng này gần như không trụ vững được về mặt tài chính, đã dẫn đến nhiều cửa hàng trên các con phố như Soya Garden, Coffee House… buộc phải đóng cửa.
Linh hoạt thanh toán
Trên thực tế phải nhận thấy rằng, việc mua sắm tại các TTTM thường thuận tiện hơn rất nhiều, khi tại đây tích hợp rất nhiều mặt hàng từ các sản phẩm bình dân đến các sản phẩm hàng hiệu đắt tiền. Hơn nữa, vừa mua sắm, khách hàng vừa được trải nghiệm vui chơi và thưởng thức ẩm thực. Vì thế, đây là một lợi thế khá lớn để thu hút khách hàng nên dù dịch bệnh, nhưng phần lớn mức độ giảm giá không quá lớn.
Số liệu của CBRE cho thấy, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, giảm 4% theo quý. Tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm theo quý, đạt 103 USD/m2/tháng, giảm 1% theo quý. Còn số liệu của JLL cho biết, giá thuê trung bình thực tế của các TTTM lớn đạt 30,7 USD/m²/tháng, giảm 18,2% theo quý.
Còn tại các cửa hàng mặt phố, ngoài các vị trí đất vàng, vị trí góc ở các khu phố sầm uất như Hàng Khay, Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… do các thương hiệu lớn thuê, thì phần lớn là các cửa hàng nhỏ lẻ, giá thuê cũng khá cao, các mặt hàng không tập trung… nên lượng khách đến mua sắm thưa thớt đã dẫn đến một loạt các cửa hàng nhỏ lẻ đóng cửa, treo biển sang nhượng, cho thuê.
Những phân tích trên đặt ra vấn đề, chủ nhà phố cần có giải pháp gì để thu hút khách thuê?
Trả lời câu hỏi này, bà Hoàng Nguyệt Minh nói rằng, chủ nhà mặt phố cần hỗ trợ khách thuê với tiến độ thanh toán tiền thuê linh động hơn. Đơn cử như thanh toán hàng tháng (thay vì 6 tháng/lần đối với nhà phố và 3 tháng/lần đối với trung tâm thương mại), giá thuê có thể giảm giá 20%-30% vào năm đầu và bù giá vào các năm sau của hợp đồng thuê.
Ngoài ra, chủ nhà phố đảm bảo giấy phép đăng ký kinh doanh cho mặt bằng, cũng như chấp nhận các điều khoản thuê trong hợp đồng theo yêu cầu của nhãn hàng nước ngoài, thay vì cứng nhắc trong việc cho thuê mặt bằng như trước đây.
Cùng góc nhìn trên, bà Nguyễn Hồng Vân cho rằng, các chủ nhà mặt phố cần đồng hành và hỗ trợ khách hàng thuê trong các giai đoạn khó khăn bằng các biện pháp như: hỗ trợ giảm tiền thuê nhà, giãn chu kỳ thanh toán tiền thuê. Chỉ khi khách hàng có thể kinh doanh tại mặt bằng thuê thì mới có thể đảm bảo được việc thực hiện hợp đồng thuê được ổn định.
Nhận định về mặt bằng cho thuê quý IV, các chuyên gia BĐS cho rằng, giá thuê mặt bằng sẽ tiếp tục có sự hạ nhiệt, đặc biệt ở phân khúc cho thuê nhà phố nhằm thu hút các khách hàng thuê mới thay thế cho các khách hàng đã rời đi. Ở phân khúc TTTM, các chính sách hỗ trợ của bên cho thuê và chính sách marketing của các TTTM để thu hút người mua hàng sẽ là yếu tố cốt lõi để khôi phục thị trường khi mùa mua sắm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
Dù TTTM hay nhà phố thì các chủ đầu tư hay chủ nhà cũng cần chia sẻ khó khăn đối với người thuê trong thời điểm khó khăn này, đó không chỉ là sự chia sẻ về tài chính mà đó là sự chung tay vì cộng đồng, vì môi trường kinh doanh phát triển.
Phạm Minh