Các doanh nghiệp F&B còn tồn tại được đến thời điểm hiện nay phần lớn đều đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng bằng cách thu hẹp diện tích, hoặc phải thương thuyết lại chi phí thuê mặt bằng, và đóng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Phải đóng cửa hàng sau giãn cách kéo dài, tình cảnh như của Soya Garden không phải là cá biệt. Xu hướng các chuỗi F&B tại Hà Nội và TP.HCM trả lại mặt bằng diễn ra từ năm 2020. Dịch Covid-19 bùng phát, và trở nên nghiêm trọng với làn sóng thứ 4, nhiều tháng liền phải đóng cửa do giãn cách xã hội, doanh thu gần như bằng 0 trong khi vẫn phải chịu các chi phí mặt bằng khá lớn khiến nhiều đơn vị lao đao.
Đóng bớt cửa hàng, thu hẹp diện tích
Khai trương vào tháng 7/2019, chỉ thời gian ngắn sau, chuỗi cửa hàng đồ uống Soya Garden đánh dấu mở cửa hàng thứ 50 ở 5 thị trường là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang. Thế nhưng, sau 2 năm 2019-2020 thua lỗ 139 tỷ đồng, chuỗi cửa hàng Soya Garden âm vốn chủ sở hữu 53 tỷ đồng trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm từ 96 tỷ đồng xuống còn 56 tỷ đồng, tức giảm hơn 40%.
Những mặt bằng nhà phố, trung tâm thương mại có vị trí đắc địa thường có giá thuê rất cao, khiến nhiều doanh nghiệp không chịu được chi phí thuê (Ảnh: TL) |
Dịch Covid bùng phát, chuỗi cửa hàng Soya Garden đã phải đóng cửa tại nhiều vị trí "vàng" ở các quận trung tâm tại TP.HCM. Còn tại Hà Nội, sau làn sóng dịch lần thứ tư, từ 8 cửa hàng, Soya Garden nay chỉ còn lại 6 cửa hàng.
Chia sẻ với VnBusiness, đại diện Egroup - đơn vị rót vốn cho Soya Garden cho biết, việc đóng cửa nhiều cửa hàng trong chuỗi là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này nhằm tiết giảm chi phí mặt bằng.
"Nguyên nhân đầu tiên đó là do cửa hàng thuê tại những mặt bằng có vị trí đẹp trong các trung tâm thương mại và nhà phố tại quận trung tâm, doanh thu mùa dịch giảm sút nghiêm trọng, nên doanh nghiệp này đã buộc phải đóng bớt cửa hàng. Ngoài ra, còn do nguồn nguyên liệu hạn chế và việc tuyển dụng nhân viên cũng rất khó khăn", đại diện Egroup nói.
Hiện trạng này của Soya Garden không phải là cá biệt. Toàn ngành F&B, từ thương hiệu lớn đến nhỏ, đều không tránh khỏi tác động tiêu cực từ làn sóng Covid-19 lần 4. Mới đây, The Coffee House đã phải đóng cửa hàng biểu tượng (signature) duy nhất của mình. Còn Starbucks cũng thông báo dừng hoạt động chi nhánh tại "đất vàng" Rex Hotel ngay sau giãn cách.
Khảo sát cho thấy, doanh thu của ngành F&B hiện chỉ ở mức khoảng 20-30% so với thời điểm tháng 4-5 khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt, cộng thêm đợt dịch bùng phát mạnh đã khiến chi phí mặt bằng là một “gánh nặng”.
Nhiều cửa hàng F&B đã phải tuyên bố đóng cửa để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh |
Các doanh nghiệp F&B còn tồn tại được đến thời điểm hiện nay phần lớn đều đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng bằng cách thu hẹp diện tích, hoặc phải thương thuyết lại chi phí thuê mặt bằng, và đóng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Doanh nghiệp nội cạn lực
Bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội đánh giá, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp F&B đã và đang là ngành dịch vụ bán lẻ có tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh nhất tại cả Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến nguồn thu tại cửa hàng.
Các đơn vị ngành hàng F&B luôn chú trọng đầu tư ban đầu lớn, từ hệ thống bếp, đến cơ sở vật chất, trải nghiệm từ chỗ ngồi của khách hàng, do vậy khi không được phép mở cửa khiến các cửa hàng này gần như không thể trụ được về mặt tài chính.
Bà Minh cho biết thêm, kể cả có được hỗ trợ về giá thuê trong thời gian đóng cửa thì chi phí hàng hóa, trang thiết bị, chi phí tài chính, nhân sự vẫn quá lớn dẫn đến việc nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa và thu hẹp hoạt động kinh doanh.
Mặc dù các đơn vị F&B cũng đã thực hiện việc bán hàng online, tuy nhiên doanh số hạn hẹp không đủ để giúp các cửa hàng duy trì hoạt động kinh doanh. Đại diện Egroup - đơn vị rót vốn cho Soya Garden chia sẻ, bán hàng online thật sự không hiệu quả bởi khách hàng hiện đại họ “mua” chỗ ngồi thưởng thức sản phẩm, nhu cầu giao lưu, giao tiếp với khách hàng bạn bè nhiều hơn.
Thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh nhảy vào thị trường Việt Nam khiến việc thuê mặt bằng có vị trí đẹp sẽ khó khăn hơn với doanh nghiệp nội. |
Để giải quyết bài toán chi phí mặt bằng trong hoạt động kinh doanh, Soya Garden đã đàm phán với các chủ nhà để xin miễn giảm tiền thuê. Hiện, có nhiều chủ nhà miễn giảm 50-70% tiền thuê trong các tháng đóng cửa, thậm chí có chủ cho thuê miễn hoàn toàn chi phí thuê mặt bằng. Cho dù thế, Soya Garden vẫn phải tạm đóng nhiều cửa hàng, tiếp tục kinh doanh chuỗi cửa hàng đã mở do chi phí đầu tư khá lớn và cơ cấu lại hoạt động sao cho hiệu quả.
Chủ mặt bằng cho thuê The Coffee House trên đường Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, chỉ giảm một phần tiền thuê mặt bằng cho khách thuê trong những ngày đóng cửa, bởi cũng cần thu hồi lại vốn đầu tư cho căn shophouse trị giá hàng chục tỷ đồng. Những lúc khó khăn, chủ nhà cho thuê chia sẻ với khách hàng và khách hàng cũng cần cảm thông với chủ nhà.
Là một đơn vị tư vấn cho thuê mặt bằng bán lẻ, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội chia sẻ, các chủ nhà, chủ đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ cần điều chỉnh lại phương án cho thuê như thanh toán hàng tháng thay vì 6 tháng/lần đối với nhà phố và 3 tháng/lần đối với trung tâm thương mại. Giá thuê có thể giảm 20%-30% vào năm đầu và bù giá vào các năm sau của hợp đồng thuê.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng khiến nhiều mặt bằng tốt bị bỏ trống và là cơ hội cho một số doanh nghiệp F&B khác thuê được mặt bằng này. Đơn cử như Cheese Coffee công bố mở cửa một chi nhánh mới ở quận 1 (TP.HCM) và trước đó chuỗi này cũng lần lượt khai trương một số cửa hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Tương tự, Guta Cafe cũng đang sửa sang một số mặt bằng mới thuê được để khai trương chi nhánh mới.
Trong vòng một năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ hồi phục lại sức hút nhờ các thương hiệu nước ngoài ở tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến F&B vào thị trường Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt đối với chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê, nhưng đồng thời cũng sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp nội vốn đã cạn lực để “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Hải Sơn