Trong 2 năm 2019 và 2021, công ty cổ phần Tập đoàn CEO (CEO Group) liên tiếp vi phạm về thuế. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm “bết bát”.
Kết quả "bết bát"
Theo đó, qua thanh tra thuế giai đoạn 2019, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm về thuế đối với CEO Group với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, nộp bổ sung thuế giá trị gia tăng là 1,13 tỷ đồng; bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp 665 triệu đồng; tăng thu thuế thu nhập cá nhân 377 triệu đồng. CEO cũng phải nộp tiền chậm nộp và phạt hành chính là 686 triệu đồng.
Tiếp theo vào tháng 7/2021, CTCP Tập đoàn CEO (CEO Group, HNX: CEO) nhận quyết định của Cục Thuế Hà Nội về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo cơ quan thuế, tập đoàn này đã có hành vi gian lận trong kê khai thuế liên quan đến dự án Khu đô thị Quốc Oai.
Trước vi phạm này, CEO Group phải chịu phạt tiền khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm tra do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế. Số tiền xử phạt hành chính là gần 225 triệu đồng.
9 tháng đầu năm CEO Group doanh thu giảm 40,5% so với cùng kỳ. |
Bên cạnh đó, CEO Group buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng còn thiếu vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 1 tỷ đồng và khoản tiền chậm nộp thuế hơn 72 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và chậm nộp mà CEO Group phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 1,42 tỷ đồng.
Ngoài vấn đề bị phạt vi phạm hành chính, kết quả kinh doanh của CEO Group tương đối “bết bát”, khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 cho thấy, doanh thu trong kỳ giảm gần như một nửa chỉ còn 124 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn CEO lãi gộp 14 tỷ đồng, giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/8 con số cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm, trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi 7 tỷ. Quý III/2021 cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế gần 224 tỷ đồng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái, lỗ sau thuế của công ty mẹ là 128,5 tỷ đồng.
Kinh doanh trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản CEO vào mức 7.012 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm 74% xuống chưa đầy 60 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, bức tranh tài chính khá bết bát khiến cổ phiếu CEO bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20/4/2021.
Tuy nhiên, một điều gây bất ngờ với các nhà đầu tư khi mã cổ phiếu CEO của tập đoàn thời gian gần đây, chỉ trong 1 tuần giao dịch tăng 50%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/11, thị giá CEO dừng ở mức 19.900 đồng/cp, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi đó quý III, tình hình kinh doanh của CEO không như kỳ vọng của cổ đông, thậm chí thua lỗ nặng.
Năm 2021 có đạt mục tiêu?
Trở lại BCTC cuối năm 2020 cho thấy, CEO đặt mục tiêu năm 2021 tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. CEO cho biết năm nay tập trung triển khai và kinh doanh các Dự án trọng điểm như Dự án River Silk City Hà Nam, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Vân Đồn Harbor City... Tuy nhiên với bức tranh kinh doanh như trên, liệu CEO có đạt được mục tiêu tổng doanh thu hay không?
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ tháng 6/2021, hàng loạt nghi vấn của các nhà đầu tư được gửi tới HĐQT và ban lãnh đạo của CEO Group khi công ty liên tiếp kinh doanh không hiệu quả. Trong đó, có nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?"
Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty không có công ty sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021, trụ sở của công ty là toà tháp CEO trên đường Phạm Hùng đã phải mang đi thế chấp cho khoản vay tại BIDV và cũng đã thế chấp dự án Sonasea Condotel Phú quốc Resort giá trị còn lại thời điểm 30/6/2021 lần lượt là gần 134,1 tỷ đồng và khoảng 566 tỷ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn phần lớn là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên trong bối cảnh du lịch vẫn chưa được mở cửa trở lại hoàn toàn thì đây là một trong những thách thức lớn cho kết quả quý IV của Tập đoàn này. |
Cũng theo BCTC quý III, tài sản dở dang dài hạn của CEO tính đến 30/9/2021 là hơn 2.236 tỷ đồng tại các dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City (hơn 2.169 tỷ đồng), Dự án khu du lịch Green Hotel & Resort (gần 45 tỷ đồng) và các dự án khác (hơn 22 tỷ đồng)… Hiện ban lãnh đạo CEO đang rất kỳ vọng lớn vào nguồn thu, đặc biệt với các dự án trọng điểm trên.
Trước đó, CEO cho biết năm 2020 đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh, Hà Nội. Dự án đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến trong quý IV toàn bộ dự án này sẽ đưa vào kinh doanh.
Còn tại dự án Sonasea Vân Đồn, theo CEO Group vào ngày 5/7/2020, lễ kick-off bán hàng phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City diễn ra tại Bãi Dài Vân Đồn. Tháng 12/2020, các căn Singapore Shoptel đầu tiên đã chính thức được bàn giao đến chủ sở hữu.
Không những vậy, với Dự án River Silk City, tháng 12/2020, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu phía Bắc của dự án (phân kỳ 4, 5, 6). Trong năm 2021, CEO Group sẽ mở bán tiếp các giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, một điều là thị trường du lịch hiện đang đóng băng do đại dịch Covid-19, nên việc bán được hàng tại các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ là một thách thức lớn đối với CEO Group. Điều này có tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022 hay không vẫn là một câu trả lời bỏ ngỏ.
Phạm Minh