Có lẽ những dự án “ma” đình đám nhất thuộc về CTCP Địa ốc Alibaba của Thái Văn Luyện đã từng bị cơ quan chức năng xử lý, khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Theo đó, Thái Văn Luyện cùng người thân lập ra các công ty bất động sản (BĐS) chân rết của Alibaba, "vẽ" ra các dự án không có thật để huy động tiền của khách hàng. Số nạn nhân bị lừa đảo lên tới hơn 6.000 người với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
"Vẽ" ra dự án... trên giấy
Câu chuyện của chị Hoàng Thuý Mai (TP.Huế) là lời cảnh tỉnh cho khách hàng mua dự án BĐS không có thật. Chị Mai chia sẻ, gia đình chị dự định mua một mảnh đất tại TP.Huế để xây một căn nhà rộng hơn. Tiền tích cóp cộng với số tiền bán căn nhà nhỏ, chị đổ hết vào mua một mảnh đất tại dự án mà các môi giới quảng cáo là Vạn Xuân Compound ở phường Kim Long của CTCP Tập đoàn Khải Tín. Tin vào dự án ngay tại thành phố đang sống, cùng với lời "quảng cáo có cánh", chị đã mạnh dạn đóng theo tiến độ để mua mảnh đất 100m2. Theo giới thiệu, sau 2 năm, chị sẽ nhận được đất và phần xây thô, chị khấp khởi mong đến ngày đó.
Tuy nhiên, mọi điều không như chị mong muốn khi chưa đến ngày nhận nhà thì chị tá hoả nghe thông tin dự án không có thật, lô đất này thực chất đã được chính quyền địa phương tách riêng lẻ bán cho các hộ dân.
Ngoài dự án "ma" Vạn Xuân, CTCP Tập đoàn Khải Tín hoạt động trong lĩnh vực mua bán BĐS còn "vẽ" ra dự án Park Hill Villas ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định dự án này thực chất cũng là lô đất đã được tách thửa, bán riêng lẻ cho các hộ dân và không hề có dự án như Khải Tín quảng cáo.
Với 2 hành vi quảng cáo, rao bán sai sự thật tại các dự án trên, Tập đoàn Khải Tín bị xử phạt tổng số tiền 220 triệu đồng. Nhiều khách hàng sau đó đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Tập đoàn Khải Tín và ông Tống Phước Hoàng Hưng đến cơ quan công an.
Mặc dù nhiều dự án "ma" đã bị xử lý, nhưng do lợi ích quá lớn từ BĐS nên các đối tượng lừa đảo tiếp tục vẽ ra để bán cho khách hàng. (Ảnh: Int) |
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp dự án “ma” đã được các đối tượng thực hiện lừa đảo khách hàng chiếm đoạt số tiền lớn. Thực tế, tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự, khi các đối tượng tự thiết kế dự án, tự thiết kế bản đồ quy hoạch, in nhiều giấy tờ giả dự án có thật để lừa gạt những nhà đầu tư “cả tin” để chiếm đoạt tiền.
Nhiều người dân đã trót đổ tiền nên rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, khoản tiền nhiều năm tích cóp có nguy cơ mất trắng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn còn rất nhiều dự án "ma" chưa bị lộ diện.
Các dự án “ma” xuất hiện không phải là mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn dính bẫy. Theo Luật sư Mai Thảo, Văn phòng TAT Law firm, nguyên nhân là do kẽ hở luật pháp và thông tin về thị trường BĐS thiếu minh bạch, không đầy đủ khiến người dân tra cứu khó khăn.
Đặc biệt, BĐS là lĩnh vực có lợi nhuận khổng lồ, nên các công ty "vẽ" ra dự án, cá nhân hám lợi ích “lao đầu” vào mua trong khi không quan tâm tính pháp lý dự án, dẫn đến bị các công ty lừa đảo, khi chủ đầu tư "mất hút" thì mới té ngửa.
Ngoài ra, theo Luật sư Mai Thảo, chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước không sát sao quản lý đất đai, nên các đối tượng lợi dụng khu đất trống để bán cho người dân.
Cần cẩn trọng tính pháp lý
Dự án 'ma" là dự án có hồ sơ pháp lý không rõ ràng, không được cơ quan nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, không nộp tiền sử dụng đất, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo tiến độ, không có giấy phép của Sở Xây dựng được bán nhà ở hình thành trong tương lai, không có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng thương mại…
Các chuyên gia cho rằng, chiêu thức của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, đánh vào lòng tham của người dân. Họ đã "vẽ" ra dự án không có thật trên khu đất trống, tự thiết kế, vẽ ra bản đồ quy hoạch đẹp, quảng cáo trên truyền thông, mạng xã hội; thậm chí in pano áp phích treo khắp nơi…
Không chỉ Alibaba và Khải Tín, mà mới đây còn có Công ty Đại Lâm Phát (Long An), CTCP Nhà đất Đồng Nai, Công ty BĐS Ba Thành Phát (Bình Dương)… đã "vẽ" ra các dự án trên khu đất trống, kêu gọi đầu tư hấp dẫn, chiết khấu cao, tổ chức hội thảo, đưa đón khách hàng tới thăm “dự án”, dùng “chim mồi” tạo mua bán sôi nổi. Ngoài ra, các công ty này còn làm giả giấy tờ, người dân rất khó phân biệt được.
Để nhận diện dự án “ma”, Luật sư Mai Thảo cho biết, thông thường đây là những dự án thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản như không có đường, không có hệ thống điện, nước, thoát nước...
Điều cơ bản nhất tại một dự án “ma” chính là hồ sơ pháp lý không rõ ràng, dự án không được cơ quan nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, không nộp tiền sử dụng đất, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo tiến độ, không trưng ra được giấy phép của Sở Xây dựng được bán nhà ở hình thành trong tương lai, không có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng thương mại…
Bên cạnh đó, có dự án “ma” làm giả sổ đỏ có dấu giả của chính quyền địa phương. Các hoạt động mua bán đa phần không phải hợp đồng mua bán, mà chỉ là phiếu đặt cọc, giữ chỗ, phiếu thoả thuận…
Ngoài nhận biết từ hoạt động của dự án, người mua còn phải nhìn vào uy tín của chủ đầu tư. Những dự án “ma” thường là của các doanh nghiệp không uy tín, mới thành lập hoặc một nhóm tổ chức gom đất phân lô hoàn toàn không có trên thị trường.
Tuy nhiên, có trường hợp chủ đầu tư lấy uy tín cá nhân để lừa đảo khách hàng, như bà Châu Thị Thu Nga (nguyên Đại biểu Quốc hội) đã rao bán dự án tính pháp lý không đầy đủ, nhưng lấy uy tín cá nhân kêu gọi người dân ký hợp đồng góp vốn để huy động tiền của khách hàng.
Khi đã đầu tư vào dự án “ma”, theo khuyến cáo của Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, người dân cần có tham vấn ý kiến của chuyên gia pháp luật, có hoạt động tố giác cơ quan có thẩm quyền như cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát.
“Bởi việc tố giác không chỉ thực hiện cho bản thân, mà còn giúp cho khách hàng khác có ý định đầu tư dự án này cần dừng lại. Hơn nữa, giúp cơ quan điều tra có thông tin nhanh chóng vào cuộc xác minh; có cơ chế để phong toả tài sản ngăn chặn tẩu tán tài sản, giúp người dân có cơ hội lấy lại tiền”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Xây dựng trả lời ý kiến cử tri tỉnh Gia Lai về nở rộ tình trạng dự án “ma”, Bộ này khẳng định, hiện nay hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS...) đã có các quy định đầy đủ, rõ ràng, điều chỉnh mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS, từ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện của BĐS được đưa vào kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, trong một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, lập nên các dự án không có thực, các dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh để lừa đảo người dân.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS. Đồng thời, kiểm tra, rà soát và công khai danh sách các dự án BĐS chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh ngân hàng, các dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh…
Thời gian tới, ngoài việc đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS để trình Chính phủ ban hành nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch nhằm bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hạn chế tối đa các trường hợp cố tình vi phạm, lừa đảo…
Phương Trang