Tại buổi làm việc giữa Bộ Tư pháp và Bộ Xây dựng vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, dù thời gian gấp gáp nhưng nhờ công tác phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Tờ trình đã được hoàn thành bảo đảm công phu, dày dặn...
Thúc đẩy tái thiết đô thị
Dự thảo Luật hiện tại gồm 6 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành; trong đó kế thừa nguyên vẹn 4 điều của Luật Thủ đô năm 2012 (Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6), 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.
Vào thượng tuần tháng 6 vừa qua, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới vấn đề chỉnh trang, tái thiết đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, giàu bản sắc. |
Sau quá trình lấy ý kiến đóng góp, một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm nhất hiện nay là các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tại Điều 21 dự thảo Luật Thủ đô.
Cụ thể, để chỉnh trang, tái thiết đô thị, dự thảo Luật quy định: “Khi lập quy hoạch chi tiết để mở rộng trục đường giao thông theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô phải xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh theo các quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch”.
Quy định mới trong dự thảo có độ mở hơn so với Luật Thủ đô 2012 (khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô). Vấn đề này được nhiều ý kiến nhất trí, bởi Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để đẩy nhanh việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo.
Đồng thời, việc có một cơ chế đủ mạnh sẽ giúp Hà Nội gia tăng được giá trị địa tô để từ đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần cân nhắc tính khả thi và định lượng rõ thuật ngữ “vùng phụ cận” để tránh tác động nhiều đến người dân lúc tiến hành mở đường.
Phát triển không gian ngầm
Bên cạnh thúc đẩy quy hoạch, tái thiết, chỉnh trang đô thị, một vấn đề khác được quan tâm trong dự thảo Luật Thủ đô là phát triển không gian ngầm. Tại Điều 22 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, dự thảo Luật quy định giao HĐND quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, dự thảo Luật nhấn mạnh việc quản lý, xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm tại các đô thị, khu nội đô lịch sử phải bảo đảm bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan sạch đẹp.
Việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm là vấn đề lớn nhưng các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị) đều chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Phát triển không gian ngầm cũng đang là vấn đề được quan tâm trong góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Trong buổi làm việc giữa Bộ Tư pháp và Bộ Xây dựng, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện chỉ có Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị có các quy định tương đối đầy đủ về vấn đề này. Do vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đánh giá kỹ lưỡng quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và khai thác không gian ngầm, quy định rõ nguyên tắc giao HĐND.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm, nếu chỉ giao cho HĐND như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện.
Vì thế, cần đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 39 để tổng hợp vướng mắc, từ đó có cơ sở để xây dựng quy định phù hợp, khả thi. Liên quan tới phát triển đô thị, ông Văn đề nghị Hà Nội cần tập trung 2 vấn đề là quy hoạch, cải tạo, tái thiết đô thị cũ và phát triển đô thị mới.
Cần cơ chế đặc thù
Trước đó, trong buổi làm việc về xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Luật Thủ đô chỉ có một và có ý nghĩa đặc biệt nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật bảo đảm chất lượng.
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải loại bỏ những hạn chế của Luật Thủ đô 2012, đồng thời thể hiện được yêu cầu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển. Các quy định của dự thảo Luật cần rõ về nội hàm và nguyên tắc để dễ thực hiện.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện; phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số nội dung mang tính kỹ thuật và vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức như: Việc sử dụng từ "Thủ đô" bảo đảm thống nhất, xuyên suốt vì đây là Luật Thủ đô; nêu khái niệm "thành phố trực thuộc Thủ đô" ở mức vừa phải, vì việc thực hiện phải căn cứ vào quy hoạch và các điều kiện cụ thể thực tế...
Mỹ Chí