Cụ thể, tại hội nghị diễn ra sáng 20/7/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc là nhiệm vụ chiến lược, nằm trong mục tiêu liên kết, thúc đẩy xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Xác định rõ mục tiêu
Đặc biệt, theo người đứng đầu UBND TP Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch sẽ là thuận lợi rất lớn để các địa phương tổ chức thực hiện theo cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển Vùng.
Với riêng Hà Nội, để trở thành thành phố thông minh, hiện đại, thời gian tới TP sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý phát triển Thủ đô; phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội, phát triển hạ tầng…
Xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc là mục tiêu chiến lược của TP Hà Nội. |
Về xây dựng thể chế, chính sách, Hà Nội đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để tạo lập không gian phát triển mới, chú trọng các liên kết phát triển vùng và tạo lập nguồn lực mới từ nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên số...
Thành phố Hà Nội cũng đã và đang tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng dịch vụ thông minh; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Về phát triển kinh tế, Hà Nội định hướng phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8,0-8,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hiện thực hóa khát vọng
Thực tế, quá trình xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội đã được triển khai trong nhiều năm qua và có được những thành công tích cực. Điển hình, Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện Chương trình số 03-CTr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".
Chương trình số 03-CTr/TƯ được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...
Năm 2022, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Sự phát triển của Hà Nội là động lực thúc đẩy xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. |
Các sở, ngành, UBND quận, huyện cũng đã và đang tích cực triển khai, gặt hái thành công bước đầu trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh. Một số dự án điểm như: Dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm; Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh...
Đang có những bước tiến dài trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, song để khát vọng trở thành hiện thực, Hà Nội vẫn phải đối diện với không ít thách thức. Để “về đích” đúng hẹn, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tính đến các giải pháp như công tác quy hoạch đô thị, nhận thức xã hội, trình độ văn hóa, ý thức cộng đồng cũng như các nguồn lực đầu tư về công nghệ, chính quyền số…
PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị thông minh hay thành phố thông minh yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn. Do vậy, TP Hà Nội cần xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung pháp lý thống nhất nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đối tác, các thành phần kinh tế trong xã hội cho phát triển đô thị thông minh, tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.
Dẫn dắt phát triển vùng
Cùng với phát triển đô thị thông minh, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định mục tiêu xây dựng thể chế phát triển để phát huy vai trò của Thủ đô là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước.
Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết mang tính chiến lược phát triển dài hạn của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Hiện tại, Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người, là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của Vùng.
Quy mô GRDP đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 41,3% quy mô GRDP Vùng đồng bằng sông Hồng và 12,6% GDP bình quân cả nước. Hà Nội có vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của Vùng và khu vực Bắc bộ trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo đó, Hà Nội đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế so sánh của Thủ đô, sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia mới được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 09/01/2023.
"Hà Nội luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Mỹ Chí