Ngày 15/3/2022, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn tăng tốc triển khai không gian ngầm đô thị tại Thủ đô.
Mở rộng không gian ngầm
Trong bối cảnh quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt, tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, không gian sống bị bóp nghẹt, việc phát triển không gian ngầm, hệ thống giao thông dưới lòng đất là hướng đi tất yếu của các đô thị hiện đại.
Thực tế, tại nhiều nước phát triển, không gian ngầm được tận dụng, phát huy không chỉ giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là ùn tắc giao thông, mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Trước đây, tại Việt Nam, không gian ngầm đô thị chỉ được quan tâm như là nơi có tài nguyên nước ngầm… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề không gian ngầm đô thị đã được quan tâm nhiều hơn, với các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm chung cư, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua các nút giao cắt giao thông...
Tại Hà Nội, ước tính toàn địa bàn hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích dành cho giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí...
Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng được hệ thống giao thông ngầm, thậm chí là những khu đô thị dưới lòng đất.
Các tuyến Metro nằm trong quy hoạch không gian ngầm tại Hà Nội. |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đã đến lúc không gian ngầm trở thành một vấn đề quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đô thị.
Và thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng các công trình ngầm, như: Hệ thống hầm đường bộ, đường sắt đô thị; hệ thống đường dây, đường cáp điện lực, viễn thông và tầng hầm của các công trình xây dựng dân dụng.
Được biết năm 2021, TP. Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Theo đó, sẽ phát triển không gian ngầm theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận trung tâm.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đang được đầu tư mạnh mẽ và có được sự chuyển biến tích cực, song theo các chuyên gia, hệ thống công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô hiện mới chỉ mang tính cục bộ, chưa có tính liên kết để phát huy hiệu quả khai thác sử dụng tốt nhất.
Vì vậy, để đầu tư, phát huy hiệu quả không gian ngầm, Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, liên kết đồng bộ cho toàn đô thị, tránh tình trạng phát triển cục bộ từng công trình, “mạnh ai nấy đào”.
Việc phát triển không gian ngầm gồm hai khía cạnh là không gian công cộng ngầm và hệ thống giao thông công cộng ngầm, nếu làm tốt sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của đô thị, góp phần giảm áp lực hạ tầng. Tuy nhiên, hiện cả hai khía cạnh này trong phát triển không gian ngầm ở Hà Nội mới đang ở bước đầu, còn rất khiêm tốn.
TS. Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội cho rằng, để triển khai nội dung phát triển không gian ngầm, TP. Hà Nội cần có quy hoạch chi tiết và cần đặc biệt chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, sau khi bản quy hoạch được phê duyệt, để phát huy giá trị trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Cần phải xem xét đến quyền khai thác, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm hiện chưa được Luật Đất đai quy định.
Các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, trong đồ án quy hoạch cần phải có quy định quản lý quy hoạch không gian ngầm như làm rõ phạm vi, quy mô cần quản lý, khu vực xây dựng không gian công cộng, hệ thống giao thông ngầm, hệ thống tuy-nen, hào kỹ thuật.
Đối với hệ thống giao thông ngầm, ông Hải lưu ý, cần quy định cụ thể hành lang sẽ xây dựng các tuyến giao thông ngầm và hành lang an toàn. Các điểm kết nối với không gian giao thông phía trên mặt đất...
Có thể thấy, khi quy hoạch ngầm được cụ thể hóa đúng cách, những công trình ngầm được kết nối, đồng bộ sẽ tạo nên một hệ thống không gian ngầm mang lại giá trị thặng dư cho đô thị. Vì vậy, cần thêm nhiều giải pháp, cơ chế đặc thù giúp không gian ngầm được mở rộng, phát huy hiệu quả và tiết kiệm.
Nhật Minh