Hà Nội đang phát triển rất nhanh, đóng vai trò cầu nối giữa các tỉnh lân cận nên nhu cầu giao lưu, vận tải, logistics… rất lớn. Tuyến đường Vành đai 3 hiện đã cho thấy những dấu hiệu quá tải, do đó việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng cần thiết.
Kết nối giao thông vùng
Các kết quả khảo sát cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực ASEAN từ 1,5-1,7 lần. Logistics bao gồm kho vận, cảng, bến, bãi, nhân công và các thủ tục liên quan. Xét về nhiều yếu tố, hiện nay logistics của Việt Nam tương đối chậm, chi phí cao.
Vì vậy, việc hoàn thành Vành đai 4 sẽ mang lại lợi thế lớn về vận chuyển cho thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh/thành đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Từ đó, có thể giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vùng Thủ đô.
Hà Nội và các tỉnh sẽ hưởng lợi không chỉ công nghiệp mà còn có nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… một cách toàn diện. Bởi vậy, giới chuyên môn đặc biệt quan tâm đến yếu tố kết nối của tuyến Vành đai 4 với hệ thống các tuyến đường vành đai hiện nay và với hệ thống các tuyến đường khác.
Bên cạnh hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha. Thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông vùng Thủ đô, mở rộng không gian phát triển (Ảnh QĐ). |
Tuyến vành đai còn giúp thành phố quản lý chặt chẽ và phân bố dân số theo quy hoạch. Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, nếu phát triển đường Vành đai 4 sẽ tạo ra một số khu đô thị mới có quy mô khoảng 1,2 triệu dân.
Chưa kể, để chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng phải là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, trong những năm qua, việc phát triển hệ thống đường vành đai luôn là các nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Cần cơ chế đặc thù?
Theo chuyên gia, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của Vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố.
Vừa qua, trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng khẳng định, việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.
Vành đai 4 khi được hoàn thành cũng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.
“Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.
Ở vai trò của người làm chuyên môn, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng Dự án đường Vành đai 4 mang đặc thù về vị thế, về tính chất thì tất yếu cần cơ chế đặc thù trong thực hiện, để phát huy vai trò của tuyến vành đai liên kết vùng trong tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và đất nước.
Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của Hội đồng quản lý Vùng Thủ đô trong dự án để song hành cùng các địa phương. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội cần được tăng thẩm quyền để thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
Cùng bàn về cơ chế đặc thù cho Vành đai 4, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cơ chế đặc thù quan trọng nhất là phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Phân cấp, phân quyền sẽ tạo sự chủ động cũng như động lực thực hiện cho các địa phương, giúp “giảm tải” cho Bộ Giao thông - Vận tải khi đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cơ chế phân cấp, phân quyền cũng đi kèm những áp lực, thách thức lớn cho các địa phương về năng lực điều phối. Điều này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, tránh hình thành lợi ích nhóm.
Có thể thấy, hoàn thành đường Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết, với kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở cả khu vực đô thị và nông thôn, cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo điểm tựa phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Nhật Minh