Sau nhiều năm triển khai chiến lược xây dựng đô thị thông minh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân, diện mạo Thủ đô đã có chuyển biến tích cực, cảnh quan đô thị có nhiều thay đổi rõ nét.
Sức ép ngày càng tăng
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh cả về chất lượng và số lượng. Quản lý trật tự xây dựng được tăng cường, các địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu xã, phường nên bước đầu đã hạn chế vi phạm. Số công trình được cấp phép tăng, thanh tra quản lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm được đẩy mạnh.
Những công trình siêu mỏng, siêu méo được xử lý và hạn chế phát sinh mới. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư trọng điểm đồng bộ, hiện đại theo nhu cầu phát triển của Thủ đô. Công tác điều hành giao thông, chống ùn tắc đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh đang khiến Hà Nội đứng trước nhiều thách thức như dân số tăng, hạ tầng đô thị, giao thông quá tải.
Trước hết là tình trạng xây dựng sai phép, không phép vẫn xảy ra trên địa bàn các quận, huyện nhưng chưa xử lý dứt điểm. Hệ lụy của các dự án không phép sai phép, sai quy hoạch, nhất là tại các tòa nhà chung cư cao tầng tạo nên gánh nặng lớn cho hạ tầng giao thông.
Đơn cử như đường Lê Văn Lương từ cầu vượt Láng Hạ đến ngã tư giao với đường Khuất Duy Tiến chỉ dài khoảng 2km nhưng đang bị “băm nát” khi phải “cõng” khoảng 40 tòa cao ốc chung cư, văn phòng gây ùn ứ kéo dài. Nhiều tuyến đường khác cũng trong tình trạng tương tự.
Nguyên nhân khiến sức ép hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng tăng, theo nhiều chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, là bởi trong thời gian qua, quy hoạch của Hà Nội điều chỉnh cục bộ, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ…
Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013-2018), có tới 1.390 điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, có dự án tới 9 lần… Đây cũng là thực trạng đáng báo động trong nhiều năm nay.
Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến Hà Nội đối diện nhiều áp lực về hạ tầng. |
Không chỉ có vấn nạn tắc đường, nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp vấn đề lớn về ngập úng, nhiều địa điểm “đường biến thành sông” mỗi khi trời mưa, như Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Gia Thiều, Triều Khúc…
Việc đường phố Hà Nội liên tục gặp phải tình trạng “cứ mưa là ngập” không chỉ gây thiệt hại về tài sản, gây khó cho người dân, mà nghiêm trọng hơn là đang làm xấu đi hình ảnh về một Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm về chính trị, kinh tế của cả nước.
Cách nào hóa giải?
Trước những thực tế đang xảy ra, theo các chuyên gia, để giải bài toán ùn tắc giao thông, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề. Trong đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan là một trong những vấn đề chiến lược, cần đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã có những động thái mạnh mẽ bằng việc ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch.
Trong đó, đối với công tác quản lý quy hoạch, Thành ủy yêu cầu rà soát, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý gắn với quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và công chức thực thi công vụ. Đồng thời chú trọng hơn công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
Theo các chuyên gia, Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm hiện nay, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác quy hoạch.
Thời gian qua, công tác quy hoạch của Hà Nội đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu là yêu cầu hết sức quan trọng.
Về vấn đề chống ngập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khuyến cáo Hà Nội nên có dự án tổng thể để chống ngập trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng theo hướng thoát nước tự nhiên, còn bơm nước khi ngập chỉ là giải pháp tình thế.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Nội cũng cần phải tính toán trong quá trình thiết kế các đô thị để tạo ra hệ thống thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị; phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh.
Bên cạnh đó, theo tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, để giải quyết thực trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ một cách tràn lan, cần đề cao hơn nữa vai trò giám sát, tham gia đóng góp của cộng đồng.
Nhật Minh