Cụ thể, Hòa Phát vừa có quyết định rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty con là Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát thông qua góp vốn trực tiếp, qua đó tăng vốn điều lệ của đơn vị này từ 2.700 tỷ hiện tại lên 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát theo đó cũng tăng từ 99,926% lên 99,967%.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Theo tìm hiểu, kể từ cuối năm 2020, Hòa Phát đã tiến hành cơ cấu lại theo mô hình “kiềng 4 chân”, gồm gang thép, sản phẩm thép hạ nguồn, nông nghiệp và bất động sản. Cũng chính trong năm 2020, Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát được thành lập với vốn ban đầu 2.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, khẳng định không ai có thể làm thép mãi được. Muốn mở rộng sức ảnh hưởng, bắt buộc phải mở rộng kinh doanh theo hướng đa ngành, trong đó có bất động sản.
Thực tế, trước năm 2020, Hòa Phát cũng không phải là “tay mơ” trong lĩnh vực địa ốc. Đại gia lắm tiền nhiều của này đã từng thực hiện không ít dự án có quy mô lớn và đạt biên lợi nhuận không nhỏ như Mandarin Garden 1, Mandarin Garden 2.
Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hòa Phát mới thực sự coi bất động sản là “quân bài” chiến lược trong phát triển kinh doanh của tập đoàn. Hiện, lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm hai mảng kinh doanh chính là bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đang đặt ra nhiều tham vọng trong lĩnh vực địa ốc. |
Đại diện Hòa Phát cho biết, để mở rộng quỹ đất, tập đoàn dự kiến sẽ đi bằng “2 chân”. Cụ thể, đại gia ngành thép sẽ chủ động tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để đề xuất đầu tư xây dựng khu đô thị, đồng thời tìm các dự án tiềm năng để thực hiện M&A (mua bán sáp nhập).
Tính đến đầu năm 2022, mảng bất động sản khu công nghiệp của Hòa Phát nổi bật với các dự án đã đi vào hoạt động như Khu công nghiệp Phố Nối A (600 ha), Khu công nghiệp Yên Mỹ II (giai đoạn 1 làm 97,5 ha), Khu công nghiệp Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha).
Ở mảng bất động sản nhà ở, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha) tại quận Cầu Giấy, Hà Nội; Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha) tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh, cũng tại Hoàng Mai.
Thời gian gần đây, Hòa Phát đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát hàng loạt các dự án đô thị tại Khánh Hòa, Cần Thơ... Những dự án tầm cỡ, với nguồn vốn đầu tư thần tốc cho thấy Hòa Phát đang thực sự muốn “chơi lớn” trong lĩnh vực bất động sản.
Tham vọng đến từ đâu?
Đầu tư vào bất động sản đang là xu hướng chung của nhiều đại gia có tiềm lực tài chính ổn định. Bản thân các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực địa ốc như Vinhomes, DRH Holdings, Nam Long, An Gia, Novaland, Hưng Thịnh… cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong 5 năm tới.
Với Hòa Phát, trong 3 năm qua, mảng bất động sản đóng góp một tỷ lệ tương đối nhỏ vào tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Cụ thể, năm 2021, địa ốc mang về cho “vua thép” gần 910 tỷ đồng doanh thu, 500 tỷ đồng lãi gộp (sau khi trừ giá vốn), tương đương 0,6% doanh thu hợp nhất cả năm và 1,2% tổng lãi gộp.
Tương tự, trong năm 2020, mảng bất động sản cũng chỉ mang về cho Hòa Phát 560 tỷ đồng doanh thu và 284 tỷ đồng lãi gộp. Năm 2019 là hơn 1.500 tỷ doanh thu thuần và gần 600 tỷ đồng lãi gộp.
Nếu chỉ xét trên kết quả kinh doanh, Hòa Phát rõ ràng chỉ là “người đến sau” với những con số doanh thu, lợi nhuận khiêm tốn. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính hùng mạnh, cộng thêm những lợi thế sẵn có, “vua thép” gần như chắc chắn sẽ là đối trọng lớn với các đại gia đầu ngành trong thời gian tới.
Lý do thứ nhất, Hòa Phát có thế mạnh về “tiền tươi”. Với lãi bình quân trên dưới 10.000 tỷ đồng/quý, đại gia ngành thép có cả “núi tiền” để chạy đua M&A mở rộng quỹ đất, phát triển các dự án tầm cỡ.
Sức mạnh tài chính thể hiện ngay trên báo cáo tài chính của tập đoàn, sau 3/4 năm tài chính 2021, Hòa Phát đã ghi nhận hơn 105.800 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 27.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 200% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay của “vua thép”.
Thứ hai, Hòa Phát có lợi thế “cây nhà lá vườn” về vật liệu xây dựng. Việc tự chủ về tôn, thép giúp tập đoàn này giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào. Năm 2021, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đã bán ra 8,8 triệu tấn thép các loại.
Năm 2022, Hòa Phát dự kiến triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm. Sau khi hoàn thành vào năm 2025, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Có thể thấy, tham vọng "xưng bá" của Hòa Phát thoạt đầu có thể hơi... "ngông', thế nhưng nếu nhìn vào tiềm lực tài chính, lợi thế sẵn có của đại gia đứng đầu ngành thép Việt Nam này, một khi hội đủ thiên thời, địa lợi, họ có thể sẽ “nói được, làm được”.
Hưng Nguyên