Với triển vọng lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô lẫn thị trường, năm 2022 được xem là năm bứt phá tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Đáng chú ý, cuộc đua M&A (mua bán và sáp nhập) thời gian qua đang chứng kiến sự trỗi dậy của các doanh nghiệp nội, với hàng loạt thương vụ có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Tăng tốc mở rộng quỹ đất
An Gia Group là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nhà đất đã và đang thể hiện tham vọng lớn trong cuộc đua mở rộng quỹ đất. Cụ thể, đại gia nhà đất đến từ TP.HCM kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2022 - 2024 tăng gấp đôi, đạt 32.500 tỷ đồng, và đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án/năm.
Đơn cử, mới đây An Gia đã chuyển nhượng thành công dự án BC 3.1 có quy mô hơn 3ha tại Bình Chánh, TP.HCM. Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp, vấn đề pháp lý bị siết chặt, việc An Gia có thêm dự án khủng thực sự là một thành công lớn mà không nhiều doanh nghiệp có thể làm được.
Một đại gia khác trong lĩnh vực địa ốc là Công ty CP Vinhomes cho biết, giai đoạn 2022-2024 sẽ bắt đầu chu kỳ phát triển mới với việc phát triển những trung tâm mới từ vài trăm đến vài nghìn hecta như Vinhomes Dream City (460ha), Vinhomes Wonder Park (133ha), Vinhomes Cổ Loa (385ha), Vinhomes Hạ Long Xanh (4.110ha), Vinhomes Long Beach Can Gio (2.870ha)…
Dự kiến, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Vinhomes sẽ ra mắt thị trường những phân khu đầu tiên tại hai siêu dự án gồm Vinhomes Hạ Long Xanh (Quảng Ninh) và Vinhomes Long Beach Can Gio (TP.HCM). Ngoài ra, Vinhomes tiếp tục khởi công các dự án như Galaxy, dự án Giảng Võ ngay sau khi hoàn tất các thủ tục.
Các đại gia bất động sản đang tăng cường mở rộng quỹ đất nhằm hiện thực hóa tham vọng "xưng bá" thị trường. |
Không chỉ các ông lớn đang hoạt động ổn định, một tên tuổi khác trong ngành là Thuduc House, dù đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và nhân sự, cũng đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ với nhiều dự án mở rộng quỹ đất.
Được biết, Thuduc House đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác có quỹ đất lớn và vị trí đẹp tại TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận và Cần Thơ. Các dự án này có quy mô khá lớn với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Sunshine Group cũng khẳng định tham vọng năm 2022 tạo bứt phá mạnh mẽ khi rầm rộ tấn công các thị trường mới như Thanh Hóa, Phan Thiết, Phú Yên, Đà Nẵng. Sau phân khúc nhà ở, tập đoàn này sẽ dồn lực vào bất động nghỉ dưỡng nhằm đón đầu sự tăng trưởng trở lại của thị trường khi du lịch mở cửa trở lại.
Cũng tập trung vào phân khúc nghỉ dưỡng, Novaland trước đây vốn nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A hiện cũng đặt kế hoạch thâu tóm hàng trăm ha đất tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết… để phát triển khu đô thị và bất động sản du lịch trong năm 2022.
Novaland vừa mua lại dự án Kenton Node từ Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Theo tìm hiểu, dự án này được triển khai trên địa bàn huyện Nhà Bè (TP.HCM) có tổng diện tích 9,1ha, với 9 block với 1.640 căn hộ.
Giải mã “sức nóng” thị trường
Có thể thấy, năm 2022 được được rất nhiều doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng là năm phục hồi và bứt phá. Đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp tập trung phát triển nhiều hơn cả.
Theo đánh giá của JLL Việt Nam, thị trường bất động sản những năm tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A. Một tầm nhìn dài hạn, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp là điều cần với bất kỳ chủ đầu tư nào muốn có thành công trong cả ngắn và dài hạn.
Theo dự báo, xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Bởi các công ty địa ốc lớn như Vinhomes, Novaland, An Gia, Nam Long, FLC... vẫn đang triển khai các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Trước cuộc đua thâu tóm, mở rộng quỹ đất của các đại gia địa ốc đang ngày càng tăng nhiệt, giới chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân chính đến từ việc các doanh nghiệp có tiềm lực đang chủ động rút ngắn thời gian tham gia thị trường với những dự án cụ thể.
Bởi, thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.
Mặt khác, cuộc đua M&A liên tục nóng lên là bởi đây là một trong những “quân bài” giúp các doanh nghiệp hàng đầu đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở, từ đó buộc phải “ngậm đắng nuốt cay” bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Không chỉ là những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, khi nhìn vào cuộc đua thâu tóm, mở rộng quỹ đất, có thể thấy "gió đang đổi chiều" trên đường đua M&A trong lĩnh vực bất động sản, khi các doanh nghiệp nội trước đây vẫn bị đánh giá ở thế “cửa dưới” nay lại cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ.
Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư (Savills Hà Nội), cho hay khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, họ đã đủ tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện.
Việc các doanh nghiệp trong nước làm chủ cuộc chơi không có nghĩa là các doanh nghiệp ngoại đang giảm dần vai trò. Theo giới chuyên gia, một xu hướng M&A hiện nay là chuyển dần từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác, tạo nên những giá trị cộng hưởng, lợi cho cả đôi bên.
Thực tế, thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại cũng nằm trong xu thế này, với sự tôn trọng dành cho các đối tác địa phương vốn là những người am hiểu thị trường, đảm bảo quỹ đất sạch. Theo đó, những giao dịch mang tính chất hợp tác, nhà đầu tư Việt Nam có thể giữ lại 15-20%, có trường hợp là 50 - 50.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, khẳng định các doanh nghiệp nội có thể coi việc mở rộng quỹ đất qua những thương vụ M&A như giải pháp để nâng cao nội lực.
Song, không nên xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết, xây dựng chuỗi giá trị. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp nội mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hưng Nguyên