Các doanh nghiệp đang đặt ra những tham vọng lớn đều là những tên tuổi “lắm tiền, nhiều của” trong ngành như: DRH Holdings, Nam Long, An Gia, Novaland, Hưng Thịnh… Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường, để tham vọng không biến thành vô vọng, các đơn vị cần những quả “tên lửa đẩy” đủ mạnh.
Những mục tiêu “hóa rồng”
Năm 2022, CTCP DRH Holdings (DRH) lần đầu tiên đặt ra những mục tiêu cao kỷ lục kể từ khi thành lập công ty, với kế hoạch lợi nhuận 212 tỷ đồng, gấp hơn 13,5 lần con số thực hiện năm 2021. Đồng thời, duy trì đà tăng trưởng trên 40%/năm và cán mốc lợi nhuận trên 500 tỷ đồng năm 2025.
DRH là một tên tuổi lớn, tuy nhiên nếu nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp này trong năm 2021, với lũy kế cả năm doanh thu thuần đạt 48 tỷ đồng, giảm 38%, lợi nhuận gộp đạt 14 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2020, cộng thêm các yếu tố khách quan, mục tiêu trên rõ ràng là một tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Nam Long Group cũng là một trong những đại gia địa ốc được nhắc đến với tham vọng “xưng bá” trong những năm tới. Sở hữu loạt quỹ đất trải dài khắp các khu Đông, Tây, Nam TP.HCM, ông lớn này đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản tích hợp hàng đầu với doanh thu tỷ USD vào năm 2030.
Theo thăm dò, đơn vị này hiện đang sở hữu quỹ đất sạch 681ha tại những vị trí đắc địa, sẵn sàng phát triển cũng như đảm bảo cho kế hoạch phát triển 10 năm tới.
Đặc biệt, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài giàu kinh nghiệm về bất động sản như Hankyu Hanshin, Nishitetsu Group, Indochina Capital… cũng là điểm tựa để Nam Long tự tin đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng.
Nhiều đại gia bất động sản đang đặt ra nhiều tham vọng bứt tốc trong năm phục hồi kinh tế 2022. |
Tương tự DRH và Nam Long, một tên tuổi khác trong ngành bất động sản là An Gia Group cũng đặt ra những mục tiêu vô cùng táo bạo. Cụ thể, đại gia nhà đất đến từ TP.HCM kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2022 - 2024 tăng gấp đôi, đạt 32.500 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2022 - 2024, công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm, doanh thu tăng 2 lần so với năm 2021. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều dự án tiềm năng với diện tích sàn kinh doanh gần 912.000 m2.
Đáng chú ý, trong cuộc đua M&A (mua bán và sáp nhập), An Gia đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án/năm. Trong bối cảnh thị trường M&A đang rất khốc liệt với sự “tham chiến” của nhiều đại gia trong nước và quốc tế, đây thực sự là một mục tiêu không dễ để thực hiện.
Ngoài ra, An Gia cũng kỳ vọng tiếp tục đẩy mạnh triển khai một loạt các dự án ở TP.HCM và các tỉnh thành vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… với trọng tâm là các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu phức hợp) trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực.
Điểm tựa đến từ đâu?
Xét trên bối cảnh thị trường, đặc biệt là hoạt động vốn qua kênh trái phiếu đang bị siết chặt, không ít người trong đó có cả các chuyên gia đầu ngành có cơ sở để lo ngại về những tham vọng của các đại gia bất động sản trong những năm tới.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những “nốt trầm” về kinh doanh trong 2 năm ảnh hưởng bởi “bóng ma” Covid-19, các ông lớn địa ốc đầu ngành có nhiều điểm tựa, bàn đạp chiến lược để hoàn thành các tham vọng đã đặt ra.
Đơn cử như với DRH, về ngắn hạn, theo báo cáo tài chính quý IV/2021, công ty này đang có những khoản mục người mua trả tiền trước lên tới 1.013 tỷ đồng, nguồn tiền này sẽ được hạch toán thành doanh thu khi những hạn mục được bàn giao.
Lãnh đạo của DRH cho biết, những dự án hiện hữu sẽ mang lại nguồn thu dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, tạo bước nhảy vọt về lợi nhuận trong 2 năm 2022 và 2023.
Về dài hạn, DRH đang tập trung vào “mũi đinh ba” gồm phát triển và kinh doanh bất động sản; sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng; phát triển khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Nếu phát triển khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng vẫn là phân khúc nằm trong giai đoạn đánh thức tiềm năng, thì bất động sản và vật liệu xây dựng đang là hai mũi nhọn chiến lược đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của đại gia này.
Điển hình, để đón đầu nhu cầu nhà ở tăng cao ở khu vực xung quanh TP.HCM, DRH đang chú trọng phát triển các dự án bất động sản dân cư với nhiều phân khúc đa dạng, dựa trên lợi thế quỹ đất hiện có tại TP.HCM và Bình Dương.
Được biết, DRH dự kiến dành 500 tỷ đồng huy động, đầu tư vào Công ty CP Kinh doanh và phát triển bất động sản Đông Sài Gòn để công ty này có thể hoàn thiện xây dựng dự án Symbio Garden với 137 căn nhà thấp tầng vào đầu năm 2023.
Cùng với DRH, các ông lớn bất động sản khác như Nam Long, An Gia… cũng có nhiều quả “tên lửa đẩy” đủ mạnh để tự tin hoàn thành những tham vọng của mình. Bên cạnh sức mạnh về nội lực, theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ với các gói phục hồi kinh tế song hành.
Nhiều chuyên gia tin rằng, khi dòng tiền đổ vào nền kinh tế để hàn gắn những vết thương do đại dịch, cổ phiếu bất động sản sẽ là một trong những nhóm được hưởng lợi nhiều nhất. Chưa kể, nhu cầu về nhà ở của người dân chưa bao giờ giảm là cơ hội của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 2 năm qua vẫn rất tích cực, tạo cơ sở vững vàng cho thị trường nhà đất những năm tới. Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản năm 2022 được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn. Hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI sẽ là điểm tựa cho bất động sản công nghiệp và logistic tăng trưởng, từ đó gián tiếp thúc đẩy bất động sản nhà ở phát triển theo.
Về việc dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản bị siết chặt, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định đây là chính sách có lợi cho thị trường, bởi khi siết chặt tín dụng, nhiều chủ đầu tư đang “găm” đất, dự án phải “nhả” ra, từ đó đưa hàng hóa vào thị trường để tạo ra thanh khoản, hút vốn về. Vì vậy, nguồn vốn thị trường bất động sản không phải vấn đề nghiêm trọng trong năm 2022.
Có thể thấy, thị trường bất động sản năm 2022 vẫn là một bức tranh nhiều màu sáng. Vì vậy, bất chấp những biến số đầy khó lường của thị trường địa ốc, nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội để "bứt phá", việc hoàn thành những tham vọng được cho là “điên rồ” hoàn toàn có cơ sở, dù không dễ dàng.
Hưng Nguyên