Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, để giảm thiểu sự quá tải cần xây dựng các dự án dài hơi, đồng thời tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của chính quyền địa phương.
“Ma trận” chung cư trên các tuyến phố
Theo ghi nhận của phóng viên VnBusiness, dọc tuyến phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) có mặt cắt đường rộng khoảng 6m, nhưng hiện hữu tới 20 tòa chung cư cao tầng với sức chứa khoảng 3 vạn người.
Cao ốc mọc như nấm tại tuyến phố Nguyễn Tuân, Hà Nội. |
Điển hình như chung cư Imperia Garden với 1.632 căn hộ, TNR Goldseason 47 Nguyễn Tuân với 1.500 căn hộ, 90 Nguyễn Tuân với 820 căn hộ, Việt Đức Complex với 700 căn hộ, Thống Nhất Complex với 552 căn hộ, The Legend với 460 căn hộ...
Mặc dù có những tòa chung cư hiện nay, cư dân còn chưa đến ở hết, thế nhưng hằng ngày thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc giao thông.
Hiện nay, trên con phố Nguyễn Tuân vẫn đang có thêm cao ốc được xây dựng mới. Điển hình như chung cư DLC – Complex Nguyễn Tuân với với quy mô 32 tầng nổi, 4 tầng hầm.
Các tòa cao ốc tiếp tục được "nhồi" vào con phố Nguyễn Tuân. |
Tương tự, dọc hai bên tuyến đường Tố Hữu (quận Hà Đông) cũng đang phải gánh hàng chục dự án bất động sản với quy mô lớn san sát nhau như dự án: Bắc Hà C14, CT14, CT Trung Văn, Ecolife Capitol, The Light, The Pride, Roman Plaza... hay dự án khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Vạn Phúc, Văn Khê, An Hưng…
Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương có mật độ dày đặc các chung cư. |
Có thể thấy, việc quy hoạch dày đặc các chung cư dẫn tới áp lực giao thông sẽ còn đè nặng. Đặc biệt, khi thời gian gần đây, hiện tượng điều chỉnh từ đất cho thuê, văn phòng làm việc thành nhà chung cư cao tầng đang gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch Thủ đô.
Cụ thể, cuối tháng 1/2022, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỉ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Đáng chú ý, đối với khối văn phòng đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ "Văn phòng" sang thành "Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ". Theo đó, mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).
Trước đó không lâu, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mỹ Đình II và Xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng.
Tại Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỉ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) tại ô đất 4.500m2 ký hiệu N6.3, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh công năng xây dựng công trình tại ô đất từ Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000m2.
Giải bài toán lỗi hệ thống
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc giảm dân số, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, xã hội là một trong những định hướng quản lý xuyên suốt. Nhưng càng định hướng giảm thì dân số lại càng tăng lên. Dân số tăng tác động đến hạ tầng giao thông, xã hội gây tắc đường, thiếu lớp học, ô nhiễm môi trường, rác thải...
Quy hoạch không đồng bộ gây áp lực lên giao thông đô thị. |
Tại Hà Nội, đã có rất nhiều dự án cao tầng mọc lên gây ùn tắc giao thông nhưng vẫn được thuyết minh là "đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch". Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do hàng loạt tuyến đường, hạ tầng vẽ ra rất đẹp nhưng hầu như chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, các dự án cao ốc tiếp tục được thành phố phê duyệt theo hướng "phù hợp quy hoạch".
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chung cư đều có quy hoạch từ trước. Chúng ta chỉ có giảm bớt và giãn dân số ra ngoại thành, chứ nếu nhồi nhét thêm cư dân, tăng thêm tầng là điều cần tính toán. Lỗi về quy hoạch xây dựng thì phải giải quyết bằng quy hoạch xây dựng vì vấn đề bất cập giữa quy hoạch xây dựng với giao thông là lỗi hệ thống. Hà Nội và các cơ quan liên quan cần phải nhìn nhận nghiêm túc lại việc triển khai quy hoạch.
Các chuyên gia cũng để xuất, để giảm thiểu sự quá tải trên cần xây dựng các dự án dài hơi như cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bị ách tắc. Đồng thời, cần tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của chính quyền địa phương.
Trong Báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 10/2021, Chính phủ đã chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực xây dựng, đáng chú ý là việc lập, điều chỉnh quy hoạch cục bộ ở nhiều dự án. Đơn cử, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao. |
Duy Thế