Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho thấy, thời gian qua, ngành khu công nghiệp đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh. Năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận doanh thu tăng trên 30%, lợi nhuận sau thuế tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2021.
"Hốt bạc" nhờ quỹ đất lớn
Ở phía Nam, thị trường khu công nghiệp dự kiến đón thêm nguồn cung mới khá lớn đến từ một số dự án tiêu biểu như Khu công nghiệp VSIP 3 (1.000 ha), Khu công nghiệp NTC3 – mở rộng (346 ha), Khu công nghiệp Phước An (330 ha)…
Trong khi đó ở phía Bắc, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn là những đơn vị sẽ được hưởng lợi rất lớn trong xu hướng “Trung Quốc +1”. Hàng loạt dự án có quy mô khổng lồ dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới có thể kể đến LG (4 tỷ USD), Foxconn (300 triệu USD),...
Theo Mirae Asset Việt Nam, việc có quỹ đất cho thuê lớn sẽ giúp các doanh nghiệp kịp thời đón sóng tỷ USD từ nhà đầu tư ngoại. Nổi bật như Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC), Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam...
Bất động sản khu công nghiệp vẫn đang là điểm sáng dẫn dắt thị trường (Ảnh: VGC) |
Đơn cử, trong năm 2022, cho thuê khu công nghiệp và nhà ở công nhân giúp Viglacera lãi trước thuế ước đạt 1.622 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm và tăng 57% so với thực hiện năm 2021.
Cần nhấn mạnh, suốt những năm qua, cho thuê khu công nghiệp trở thành đòn bẩy trong kinh doanh của Viglacera, với lợi nhuận trước thuế mảng bất động sản đạt trên nghìn tỷ đồng (trong 2 năm gần nhất). Riêng năm 2022, địa ốc chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Viglacera.
Trước đó, báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra doanh thu chủ yếu trong mảng cho thuê bất động sản công nghiệp của Viglacera tới từ Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng với 50 ha. Mảng bất động sản dân cư chủ yếu ghi nhận doanh thu từ Khu đô thị Đặng Xá và các dự án nhà ở xã hội.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, Viglacera dự kiến khảo sát và phát triển nhiều khu công nghiệp mới. Đến năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.
Sức hút tiếp tục tăng
Có thể thấy, bất động sản công nghiệp vẫn đang là điểm sáng dẫn dắt của thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn bủa vây. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 563 khu công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%.
Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy trên 98%. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng nguồn vốn đăng ký khoảng hơn 340 tỷ USD.
Giá thuê nhà xưởng tại các khu công nghiệp tăng khoảng 10% so với kỳ trước, đạt trung bình 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam, do nguồn cung khan hiếm. Trong đó, tại các khu công nghiệp ở miền Bắc, giá thuê dao động 90-120 USD/m2/chu kỳ thuê.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng dự báo giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp đã có những hợp tác trước đó và quỹ đất cho thuê còn lớn sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2023.
Bởi, các dự án mở rộng sẽ ưu tiên thuê đất tại các khu công nghiệp mà nhà máy trước đó đã hiện hữu như Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ,...
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 trở đi đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn. Đây cũng là thách thức của các nhà đầu tư khi rót tiền xây khu công nghiệp cho thuê trong thời gian tới.
Nhiều triển vọng, nhưng theo chuyên gia, bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro, trong đó chi phí đền bù tăng mạnh là yếu tố rủi ro hiện hữu nhất với chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đăng ký đã cho thấy dấu hiệu chững lại. Điều này phản ánh sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự yếu đi trong nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Savills Việt Nam, 2 thách thức dài hạn bao gồm trình độ lao động và cơ sở hạ tầng cũng gây không ít khó khăn cho sự phát triển. Trong đó, cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường bộ…