Thị trường bất động sản khu công nghiệp dần khởi sắc kể từ đầu năm 2022, khi đất nước mở cửa trở lại sau đại dịch. Để thu hút các “đại gia” lớn trên thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, hàng loạt khu công nghiệp tỷ đô được xây dựng.
Tiếp tục "tăng nhiệt"
Đầu tháng 7/2022, Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Mỹ) tổ chức ra mắt hệ thống Core5 Việt Nam (www.c5ip.vn), đồng thời công bố đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.
Cùng khoảng thời gian này, Công ty Capita Land Development (CLD) cũng đầu tư 1 tỷ USD để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD ở Việt Nam. Công ty này sẽ xây dựng nhà xưởng và nhà kho trên quy mô 13,4 ha tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam và điều chỉnh chủ trương xây 1 khu công nghiệp tại Bến Tre. Tổng vốn đầu tư của cả 4 khu công nghiệp vào khoảng 9.813 tỷ đồng.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research nhận định trong nửa cuối năm 2022, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp vẫn sẽ tăng mạnh do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ phục hồi trong phần còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo, khi các hợp đồng ghi nhớ đã ký trong năm 2021 sẽ được hoàn tất. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Thị Vải - Cái Mép, cảng Gemalink… sẽ tạo nên sự kết nối, trở thành đòn bẩy cho các khu công nghiệp.
Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng thị trường trong nửa cuối năm 2022. |
Tương tự, theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), một số dự án khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong quý I/2022 trên địa bàn cả nước sẽ góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường trong tương lai.
Giá đất thuê khu công nghiệp cũng được dự báo sẽ tăng cao khi nhu cầu mở rộng nhà xưởng tăng mạnh. Hiện, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek… đang lên kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá các nguồn vốn mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức khu công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.
Bài toán thu hút “đại bàng”
Theo bà Trang, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 trở đi đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn. Đây cũng là thách thức của các nhà đầu tư khi rót tiền xây khu công nghiệp cho thuê trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, trong một cuộc hội thảo vào đầu tháng 6/2022, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo được sức hút với những “đại gia” lớn trên thế giới.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Đến nay, vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), trong khi chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ. Mặt khác, các khu công nghiệp lớn của Việt Nam còn quá ít”, ông Võ cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định để thu hút “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam không chỉ cần có các khu công nghiệp quy mô lớn mà còn phải làm tốt nhiều yếu tố về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, thủ tục hành chính…
Đặc biệt, các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn, tay nghề cho các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, trong nhiều bài viết của VnBusiness gần đây, các nhà đầu tư cho rằng cần cần sớm tháo gỡ những bất cập, khó khăn tồn đọng trong khâu chính sách, đơn giản hóa các thủ tục trong quá trình rót vốn vào các khu công nghiệp.
Đơn cử, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp thuộc CTCP Long Hậu (chuyên đầu tư ở các tỉnh phía Nam), cho rằng vấn đề được doanh nghiệp đầu tư mới quan tâm là chi phí xây dựng, rồi mới tới giá hạ tầng thuê đất trong khu công nghiệp.
Vì vậy, một trong những vấn đề doanh nghiệp đầu tư cần và mong muốn nhất trong lúc này là có thể được hỗ trợ bù trượt giá chi phí xây dựng, giảm một phần giá hạ tầng thuê đất, và ngay cả bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở TP.HCM cũng cần được giải quyết rốt ráo.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp đang mở ra, song để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có nhiều cải cách về thể chế, giải pháp nâng cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, qua đó tận dụng tốt “cơ hội vàng” trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định vị lại.
Hiến Nguyễn